mardi 26 janvier 2016

Tư vấn tại quầy thuốc - Táo bón


Dịch: BS. Hoàng Anh Thư, BV Đông Đa HN
Hiệu đính: DS. Phạm Hoài Trung, BV Đa Khoa Tỉnh Kiên Giang
Nguồn: Alison Blenkinsopp, Paul Paxton and John Blenkinsopp (2014). Symptoms in the Pharmacy - A Guide to management of common illnesses 7th.

Táo bón là tình trạng bệnh lý khó định nghĩa và thường bệnh nhân tự chẩn đoán được. Nói chung táo bón có đặc trưng  đi cầu phân khô, cứng; ít  đi cầu hơn so với người bình thường. Điều quan trọng là dược sĩ cần tìm ra điều gì bệnh nhân phàn nàn  do táo bón và xác minh những điều bất thường về thói quen đi cầu đã xảy ra  khi nào.

BẠN CẦN BIẾT ĐIỀU GÌ
Chi tiết thói quen đi cầu
Số lần đi cầu và đặc diểm phân
Lần cuối cùng đi cầu là khi nào?
Thói quen đi cầu bình thường là gì?
Táo bón  khi nào?
Trước đây từng bị táo bón  chưa?
Các triệu chứng liên quan:
       Đau bụng/sự khó chịu/đầy hơi/chướng bụng.
       Buồn nôn và nôn.
       Đi cầu phân có máu.
Chế độ ăn uống :
      Gần đây có  thay đổi nào về chế độ ăn uống không?
      Chế độ ăn  uống thông thường  có giàu chất xơ không?
Thuốc sử dụng:
       Các thuốc hiện tại đang sử dụng
      Có  thay đổi thuốc.
      Sử dụng thuốc nhuận tràng trước đó.



Ý nghĩa của câu hỏi và câu trả lời
Chi tiết về thói quen đi cầu
Nhiều người tin rằng với thói quen đi cầu hàng ngày là cần thiết để có sức khỏe tốt và sử dụng thuốc nhuận tràng thường xuyên dẫn đến lạm dụng sẽ là kết quả tất yếu. Trên thực tế số lần đi cầu bình thường dao động từ 3 lần/ 1 ngày đến 3 lần /1 tuần. Vì thế người dược sĩ có vai trò giáo dục cho bệnh nhân số lần đi cầu trong giới hạn ấy thì là bình thường. Người bệnh táo bón thường mô tả đi cầu phân rắn, khó đi cầu, số lần đi cầu ít hơn bình thường.
 Việc xác định bất kỳ sự thay đổi nào về thói quen đi cầu là cần thiết, đặc biệt khi tình trạng đó kéo dài. Một sự thay đổi đột ngột kéo dài trên 2 tuần, sẽ là một dấu hiệu gợi ý cần phải đến cơ sở y tế khám.

Các triệu chứng liên quan
Táo bón thường đi kèm với các triệu chứng khó chịu ở bụng, đầy bụng và buồn nôn. Vài trường hợp, táo bón có thể gây hậu quả nghiêm trọng do gây tắc ruột. Tắc ruột này thường trở nên rõ ràng khi có biểu hiện đau bụng, đầy bụng và nôn mửa. Khi thấy các triệu chứng gợi ý tắc ruột, cần đề nghị nhập viện khẩn cấp. Táo bón chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây tắc ruột. Các nguyên nhân khác như khối u trong ruột, xoắn ruột cần phải phẫu thuật cấp cứu.

Phân có máu
Phân có máu có thể liên quan tới táo bón, mặc dù không quá nghiêm trọng nhưng cần đưa đến cơ sở y tế để chấn đoán tìm nguyên nhân. Trong những tình huống như vậy, máu có thể chảy ra do trĩ hoặc do một vết nứt nhỏ ở da - niệm lạc trên các cạnh của hậu môn (nứt hậu môn). Cả hai trường hợp trên đều có thể do ăn ít chất xơ . Triệu chứng đi cầu có máu thường được phát hiện khi bệnh nhân nhìn thấy máu trên giấy vệ sinh.  Máu đỏ tươi có thể được nhìn thấy trên bề mặt phân (không trộn lẫn với phân) và vương vãi trong bồn cầu. Nếu có búi trĩ, thường có đau rát khi đi cầu. Búi trĩ có thể sa xuống và lòi ra ngoài hậu môn (trĩ ngoại). Nứt hậu môn có xu hướng ít chảy máu hơn nhưng đau nhiều hơn khi đi cầu. Tư vấn đi kiểm tra y tế khi có thêm những nguyên nhân nghiêm trọng gây ra phân có máu, đặc biệt khi máu được trộn với phân trong khi đi cầu. 

Ung thư ruột 
Ung thư đại tràng cũng có thể gặp làm thay đổi dần thói quen đi cầu. Bệnh lý này làm 16.000 người tử vong mỗi năm ở Anh. Chẩn đoán sớm và can thiệp sớm có thể cải thiện được tiên lượng bệnh. Nó có thể gặp ở cả bệnh nhân dưới 50 tuổi. Tỷ lệ gặp nhiều hơn ở Bắc Âu, Bắc Mỹ so với Nam Âu và châu Á. Độ tuổi trung bình thường gặp là 60 – 65.

Chế độ ăn uống
Ăn uống  thiếu chất xơ là nguyên nhân phổ biến dẫn tới táo bón. Xác định xem bệnh nhân có ăn uống chất xơ bằng cách hỏi bệnh nhân những thức ăn mà bệnh nhân ăn hàng ngày, tìm hiểu xem có những thức ăn như: bột ngũ cốc, bánh mì, hoa quả tươi và rau trong bữa ăn hàng ngày. Sự thay đổi trong chế độ ăn và lối sống, ví dụ thay đổi việc là, mất việc, nghỉ hưu hay đi du lịch có thể dẫn tới táo bón. Ăn uống không đủ, ví dụ như người ốm cũng có thể dẫn tới táo bón.

Uống đủ nước là cần thiết để có sức khỏe tốt và tốt trong việc phòng và điều trị táo bón. Uống ít nước là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây táo bón. Nghiên cứu cho thấy  rằng một người không đủ lượng dịch trong cơ thể nhưng khi uống nhiều nước sẽ tăng nhu động ruột. Đặc biệt hiệu quả khi tăng lượng nước uống chung với tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống. Số lượng dịch  khuyến cáo hàng ngày là 1,8 L cho nam và 1,6 L cho nữ và lượng nước uống được tính không chỉ từ "uống nước". Trà và cà phê có thể được tính vào lượng nước trong ngày.


Thuốc
Có một vài thuốc nhuận tràng được dùng để điều trị triệu chứng này. Khi sử dụng những thuốc này không có hiệu quả thì đi khám để được tư vấn là tốt nhất. Tiền sử sử dụng thuốc nhuận tràng có liên quan tới táo bón. Tiếp tục sử dụng thuốc nhuận tràng (đặc biệt là thuốc nhuận tràng kích thích) có thể dẫn tới vòng tròn lẩn quẩn về bài tiết chất ở ruột (mọi chất trong lòng ruột được tống ra ngoài dẫn tới ngừng hoạt động của ruột trong 1 – 2 ngày). Tiếp theo sẽ khiến cho bệnh nhân hiểu lầm rằng tái phát táo bón và dùng nhiều  thuốc nhuận tràng hơn, hậu quả là rơi vào vòng tròn lẩn quẩn.

Lạm dụng thuốc nhuận tràng kích thích kéo dài có thể dẫn tới mất trương lực của cơ trơn thành ruột (mất trương lực ruột) và tiếp tục bị táo bón. Nhiều loại thuốc có thể gây táo bón, một số thuốc được liệt kê trong bảng 3. Chi tiết các thuốc kê đơn và các thuốc OTC bệnh nhân đang sử dụng nên được lập ra .

Khi nào nên theo dõi kỷ
Có sự thay đổi về thói quen đi cầu trên 2 tuần hoặc lâu hơn
Có đau bụng, nôn, chướng bụng
Có máu trong phân
Nghi một số thuốc kê đơn đang dùng gây ra triệu chứng này

Bảng 3. Các thuốc có thể gây táo bón
Nhóm thuốc
Tên thuốc
Giảm đau và các dẫn chất của thuốc phiện
dihydrocodein, codein
Kháng acid
Muối aluminium
Kháng đối giao cảm
Hyoscin
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, SSRI
Kháng histamin
Chlopheniramin, promethazin
Thuốc điều trị tăng huyết áp
Clonidin, methyldopa
Thuốc điều trị Parkinson
Levodopa
Chẹn β giao cảm
Propranolol
Lợi tiểu
Bendroflumethiazide
Sắt

Lạm dụng thuốc nhuận tràng

Ức chế MAO

Thuốc an thần kinh
Chlorpromazin

Liệu trình điều trị
Nếu trong 1 tuần dùng các thuốc OTC mà không cải thiện được triệu chứng, bệnh nhân nên đi khám. Nếu dược sĩ thấy rằng chỉ cần tư vấn chế độ ăn uống hợp lý cho bệnh nhân thì cần tư vấn và theo dõi trong vòng 2 tuần xem triệu chứng có cải thiện không.

Quản lý
Táo bón không gây ra bởi một bệnh lý nghiêm trọng thường đáp ứng với phương pháp điều trị đơn giản bởi dược sĩ: Tăng lượng chất xơ, duy trì đủ lượng dịch trong cơ thể và tập thể dục thường xuyên. Dùng thuốc nhuận tràng trong thời gian ngắn có thể cải thiện vấn đề trước mắt.

Thuốc nhuận tràng kích thích ( VD : Các Sennoside và Bisacodyl )
Cơ chế họat động là làm tăng nhu động ruột. Tất cả các thuốc nhuận tràng kích thích đều có thể có tác dụng quá mức gây ra cơn đau quặn bụng. Liều khuyến khích khi bắt đầu sử dụng là hơi thấp hơn so với liều  được đề nghị, tăng liều khi cần thiết. Cường độ kích thích liên quan đến liều dùng. Thuốc nhuận tràng kích thích hiệu quả trong vòng 6-12 tiếng khi dùng bằng đường uống. Nên sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích tối đa là 1 tuần. Viên tan trong ruột Bisacodyl nên được nuốt toàn bộ vì Bisacodyl kích thích dạ dày. Nếu dùng dạng thuốc đạn đặt hậu môn, thường đạt được  hiệu quả trong vòng 1 tiếng sau khi đặt và đôi khi sớm hơn (khoảng 15 phút sau khi đặt). Natri Docusate có cả hai đặc tính: kích thích và làm mềm phân, có tác dụng trong khoảng một ngày.

Thuốc nhuận tràng tạo khối độn cho phân (VD :  ispaghula, methylcellulose và sterculia )
Cơ chế họat động là sao chép các cơ chế sinh lý bình thường tham gia trong các quá trình bài tiết ở ruột và được nhiều người cân nhắc lựa chọn. Các thuốc này sẽ đặc biệt hữu ích với đối tượng là bệnh nhân không ăn được chất xơ  hoặc không tăng chất xơ trong chế độ ăn uống. Sau khi sử dụng, các thuốc sẽ trương nở trong lòng ruột và làm tăng khối lượng phân do đó kích thích nhu động ruột. Có thể cần vài ngày để có tác dụng nhuận tràng.

Hàm lượng natri trong thuốc nhuận tràng tạo khối độn cho phân (như natri bicacbonat) nên được cân nhắc khi dùng ở đối tượng cần hạn chế natri. Khi giới thiệu sử dụng thuốc nhuận tràng tạo khối độn cho phân, các dược sĩ  tư vấn sử dụng vơí nhiều nước là cần thiết. Dưới dạng bào chế hạt hoặc bột,  nên trộn thuốc với một ly đầy nước  (VD : nước ép trái cây hoặc nước lọc) trước khi uống. Nước ép trái cây có thể che dấu những mùi vị nhạt nhẽo của thuốc. Tắc ruột có thể xảy ra khi trộn không đủ lượng nước, đặc biệt là những người với ruột không hoạt động bình thường (là kết quả của lạm dụng thuốc nhuận tràng kích thích).


Thuốc nhuận tràng thẩm thấu (VD: Lactulose, macrogol,..)
Macrogollactulose tác động bằng cách duy trì lượng chất lỏng trong lòng ruột và có thể cần 1-2 ngày để có tác dụng .
Lactulose là thuốc dạng lỏng.
Macrogol  dạng gói bột pha với nước trước khi uống. Lactitol có cấu trúc hóa học tương tự lactulose , có dạng gói bột, có thể rắc bột vào trong thức ăn hoặc uống với nước. Nên uống với 1 – 2 cốc nước   . Lactulose và lactitol có thể gây chướng bụng, chuột rút và cảm giác khó chịu ở bụng.

Muối epsom (magnesium sulfat) là thuốc truyền thống, trong khi không còn được khuyến cáo sử dụng  nhưng vẫn được một số khách hàng cao tuổi hỏi mua ở nhà thuốc. Nó hoạt động bằng cách hút nước vào trong lòng ruột, kết quả làm tăng áp lực trong lòng ruột,  dẫn tới tăng nhu động ruột. Một liều thường làm bệnh nhân đi cầu trong vòng vài giờ sau khi dùng thuốc. Nếu sử dụng lặp đi lặp lại có thể dẫn đến mất nước.

Thuốc đạn glycerin  có cả hai tác dụng:  thẩm thấu và kích thích, thường có tác dụng trong vòng 1 giờ. Khi dùng có thể gặp tình trạng khó chịu ở hậu môn. Làm ẩm viên đạn trước sẽ dễ đặt hơn.

Táo bón ở trẻ em
      Bố mẹ đôi khi hỏi mua thuốc nhuận tràng cho con cái của họ. Do bố mẹ thường có quan điểm đòi hỏi thói quen đi cầu của con phải bình thường nên bố mẹ hay mua thuốc điều trị táo bón. Có nhiều yếu tố có thể gây táo bón ở trẻ em, bao gồm thay đổi về chế độ ăn, các nguyên nhân về xúc cảm. Lời khuyên đơn giản là ăn uống đủ chất xơ, uống đủ nước là cần thiết cho tất cả các trường hợp. Nếu mới bị táo bón và không có dấu hiệu liên quan tới bệnh lý thực thể, thuốc đặt glycerin kết hợp với chế độ ăn là thích hợp. Nếu điều trị trên không có kết quả thì tốt nhất là gặp bác sĩ.

Táo bón ở phụ nữ có thai
Táo bón là triệu chứng thường xảy ra trong thai kỳ. Sự thay đổi nội tiết là nguyên nhân chính gây táo bón, người ta ước tính cứ 3 phụ nữ mang thai có 1 người bị táo bón. Chế độ ăn giàu chất xơ và uống đủ nước giúp cải thiện triệu chứng táo bón. Uống sắt, là thuốc thường được kê ở phụ nữ có thai, góp phần làm nặng thêm triệu chứng táo bón.

Thuốc nhuận tràng kích thích không được dùng trong thai kỳ, thuốc nhuận tràng tạo khối độn cho phân là lựa chọn khả thi, mặc dù có thể gặp một vài triệu chứng khó chịu ở bụng khi sử dụng trong những tháng cuối của thai kỳ (xem chương sức khỏe phụ nữ).

Táo bón ở người cao tuổi
Táo bón là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi do nhiều lý do khác nhau gây nên.  Người cao tuổi ít có hoạt động thể lực hơn, họ thường có răng yếu hoặc răng giả nên thường tránh ăn những thức ăn có nhiều chất xơ vì  khó nhai, người cao tuổi sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau trong đó có những thuốc gây táo bón; những quan điểm bảo thủ tạo nên những thói quen  đi cầu thường thấy ở người cao tuổi . Nếu sử dụng thuốc nhuận tràng tạo khối độn cho phân ở người cao tuổi  thì việc quan trọng của dược sĩ là đưa ra lời tư vấn uống đủ nước để ngừa tắc ruột .

Lạm dụng thuốc nhuận tràng
Hai nhóm bệnh nhân có khả năng lạm dụng thuốc nhuận tràng: Một nhóm bị táo bón mạn tính, bị cuốn vào vòng luẩn quẩn  khi  sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích (xem tr.105) làm tổn thương đám rối thần kinh ở đại tràng, và một nhóm là những người sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm cân, ví dụ, những người ăn kiêng, hoặc, nghiêm trọng hơn, có những phụ nữ có rối loạn ăn uống (chứng chán ăn hay chứng cuồng ăn) đã sử dụng với số lượng rất lớn  thuốc nhuận tràng. Người dược sĩ nên đặt mình ở vị trí giám sát việc mua các sản phẩm nhuận tràng và tư vấn bệnh nhân cho phù hợp. Bất kỳ người nào sử dụng một số lượng lớn thuốc nhuận tràng đều cần phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Ca lâm sàng về táo bón
Ca 1
      Ông D. là một người trung niên thỉnh thoảng đến nhà thuốc của bạn  Ngày hôm nay ông ta phàn nàn về tình trạng táo bón đã kéo dài vài tuần nay. Vài ngày ông mới đi cầu một lần, bình thường mỗi ngày ông đều đi cầu. Mỗi lần đi cầu thấy đau và khó. Ông chưa sử dụng thuốc gì vì ông ta nghĩ tình trạng này sẽ tự khỏi. Trước đây chưa bao giờ ông ta bị táo bón. Ông đang uống atenelol 50 mg ngày một lần trong 1 năm. Ông không thấy có  triệu chứng gì bất thường ngoại trừ cảm giác khó chịu thoáng qua ở bụng. Bạn hỏi ông về chế độ ăn, ông nói rằng từ khi bị sa thải cách đây 3 tháng, ông hình như ăn uống ít hơn bình thường, chế độ ăn của ông có vẻ ít chất xơ. Ông nói thêm rằng ông đang tìm công việc mới nhưng chưa thành công.  Ông cảm thấy thật sự suy sụp và bắt đầu nghĩ rằng mình có thể không bao giờ kiếm được một công việc khác.

Nhìn nhận của dược sĩ
Triệu chứng của ông D. gần như chắc chắn là do thay đổi về lối sống và chế độ ăn. Hiện tại ông không đi làm, dường như ông ít hoạt động thể lực hơn và khẩu phần ăn của ông có thay đổi. Từ những gì ông khai, dường như ông đạng bị trầm cảm vì không thành công trong tìm việc. Táo bón dường như có liên quan với trầm cảm, tình trạng này không liên quan với tác dụng phụ gây táo bón của một số thuốc trầm cảm.

Cần hỏi ông D. xem ông có ngủ ngon không (dấu hiệu của trầm cảm  bao gồm rối loạn giấc ngủ : khó đi vào giấc ngủ hoặc khó dậy sớm và khó ngủ lại sau khi thức giấc). Cân nặng ở bệnh nhân mắc chứng trầm cảm có thể thay đổi. Một vài người ăn nhiều hơn trong khi đó có người lại thấy chán ăn. Tùy theo tình trạng cụ thể khi tiếp xúc cũng như mong muốn của ông D., bạn có thể cân nhắc việc tư vấn ông đi khám  bác sĩ.

Để giải quyết các vấn đề về ăn uống, bạn có thể tư vấn cho ông ăn sáng với ngũ cốc nguyên hạt, và ăn ít nhất 4 lát bánh mỳ mỗi ngày. Đậu tương là nguồn thực phẩm rẻ, giàu chất xơ. Rau tươi cũng có nhiều chất xơ. Điều quan trọng nữa là khuyên bệnh nhân phải uống nhiều nước hơn. Chế độ ăn giàu chất xơ tức là bệnh nhân nên ăn nhiều chất xơ cho đến khi đi cầu phân nhiều và mềm mỗi ngày. Lượng chất xơ cần thiết là khác nhau giữa các bệnh nhân. Chế độ ăn giàu chất xơ cần thực hiện từ từ, nếu ăn quá nhanh, quá nhiều một lượng chất xơ sẽ gây ra đau quặn bụng, chướng bụng. Ông D. cũng cần phải chắc là ông uống lượng chất lỏng đề nghị trong ngày là 1,8L  mỗi ngày. Tính tất cả các loại nước uống.

Để làm giảm triệu chứng, thuốc đặt glycerin hoặc bisacodyl có thể được sử dụng để tống tháo một cách nhanh chóng ở ruột hoặc dùng một thuốc nhuận tràng kích thích đường uống dùng lúc đi ngủ sẽ đi cầu dễ ngày hôm sau, về lâu về dài, thay đổi chế độ ăn uống là chìa khóa để cải thiện vấn đề trên. Ông nên đi khám bác sĩ nếu thuốc đặt không có hiệu quả,  nếu thuốc đặt có hiệu quả nhưng thay đổi chế độ ăn không cải thiện sau hai tuần, ông cũng nên đi khám bác sĩ. Thuốc ông đang dùng dường như không gây táo bón bởi vì, mặc dù chẹn ß giao cảm đôi khi có thể  gây táo bón nhưng ông đã dùng thuốc hơn 1 năm mà không có biểu hiện gì.

Nhìn nhận của bác sĩ
Lời khuyên của người dược sĩ là thiết thực. Có vẻ như tinh thần và sức khỏe của ông D. đã bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong cuộc sống của ông. Mất việc và thất nghiệp trong thời gian gần đây là nguyên nhân chính và tiếp tục làm ông bị stress.Thực tế người dược sĩ đã dành thời gian  kiểm tra xem liệu pháp điều trị bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt có hiệu quả như thế nào. Sau đó dược sĩ khuyên ông đến gặp bác sĩ cũng là hợp lý. Nhiều người miễn cưỡng trình bày những vấn đề của mình với bác sĩ của họ nhưng một lời giới thiệu của người dược sĩ sẽ làm họ dễ trình bày các vấn đề với bác sĩ của họ hơn. Hy vọng, những lời tư vấn về bệnh táo bón ít nhất sẽ cải thiện được một phần chất lượng cuộc sống của ông. Nếu tình trạng táo bón không cải thiện trong vòng 2 tuần, ông nên đi khám bác sĩ.


Ca lâm sàng thứ 2
Nhân viên bán thuốc tại nhà thuốc của bạn nhờ bạn đưa ra lời tư vấn với một người phụ nữ trẻ X. đang ở tại nhà thuốc. Cô X. được các nhân viên bán thuốc nhận ra là thường xuyên mua thuốc nhuận trường kích thích. Bạn nói với cô rằng bạn cần hỏi một vài câu hỏi vì khi sử dụng thuốc nhuận tràng thường xuyên có thể gây ra những rắc rối như là triệu chứng táo bón của bệnh nhân không cải thiện. Khi trả lời các câu hỏi của bạn, cô nói đã có chế độ ăn gần như liên tục và luôn luôn bị táo bón . Cân nặng của cô ta tương xứng với chiều cao. Bạn đưa cho cô xem biểu đồ BMI (chỉ số khối cơ thể) có ở nhà  thuốc và tính toán chỉ số BMI của cô  đang ở vị trí nào để củng cố nhận định ban đầu của bạn. Tuy nhiên cô ấy không đồng ý với lời tư vấn của bạn, và nói rằng cô ấy cần giảm cân nhiều hơn. Bạn hỏi về chế độ ăn của cô và cô nói với bạn rằng cô đã thực hiện nhiều biện pháp giảm cân, mà hầu hết là ăn rất ít .

Nhìn nhận của người dược sĩ
Đáng buồn thay, nội dung câu chuyện trên rất hay gặp trong các nhà thuốc ở cộng đồng, nhiều phụ nữ muốn có cân nặng dưới mức cho phép. Dược sĩ nên giải thích rằng táo bón thường xảy ra khi chế độ ăn nghèo nàn. Vì ăn thiếu chất xơ làm ruột không làm việc một cách  bình thường. Có lẽ người dược sĩ nên gợi ý cô ấy tham gia một câu lạc bộ kiểm soát cân nặng ở địa phương hoặc nếu các nhà thuốc có kinh doanh dịch vụ này, thì cung cấp  nó . Bất chấp lời khuyên của dược sĩ, nhiều khách hàng vẫn muốn mua thuốc nhuận tràng và dược sĩ cần cân nhắc xem có từ chối bán hay không. Tự mua thuốc nhuận tràng kích thích chỉ làm nặng thêm triệu chứng táo bón và từ chối bán thuốc nhuận tràng cho khách hàng khi cần.  

Nhìn nhận của người bác sĩ
Điều này rõ ràng là khó khăn cho dược sĩ. Người phụ nữ trẻ tiếp tục dùng thuốc nhuận tràng là không hợp lý và cô ấy cần được tư vấn. Tuy nhiên, một thách thức với người dược sĩ là người bệnh đó có thể mua thuốc nhuận tràng một cách đơn giản ở bất cứ nơi đâu. Nếu như cô ta gặp rối loạn về ăn uống, hay cô ấy đang rất tự ti về cân nặng của mình và từ chối vấn đề của cô ấy. Cả hai yếu tố trên đều gâykhó khăn cho người dược sĩ để can thiệp hiệu quả sao cho tối ưu nhất. Một ý tưởng hay là gửi bệnh nhân tới nơi có chuyên môn sâu điều này còn phụ thuộc vào điều kiện của địa phương, nhưng người dược sĩ có thể khuyên người bệnh tới gặp bác sĩ hoặc có thể khuyên cô ấy tham khảo trên trang web về rối loạn ăn uống (www.b-eat.co.uk).

Nếu bác sĩ khám cho cô ấy, tiếp cận để hiểu bệnh bệnh nhân là cần thiết. Điều quan trọng là tạo cơ hội cho cô ấy nói tất cả những suy nghĩ về vấn đề của cô ấy, vấn đề đó làm cô ấy cảm giác thế nào và ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống. Thiết lập mối quan hệ hỗ trợ với sự tin tưởng giữa bệnh nhân và bác sĩ là mục tiêu chính khi tiếp xúc ban đầu. Một khi điều đó đạt được, phương  hướng điều trị sau đó cho bệnh nhân có thể được thảo luận và quyết định cùng nhau.

Ca lâm sàng thứ 3
Một người đàn ông tới nhà thuốc hỏi mua một vài viên thuốc nhuận tràng tốt. Thông qua hỏi bệnh, người dược sĩ được biết là người đàn ông đó mua thuốc cho bố anh ấy,72 tuổi. Anh ấy không biết nhiều chi tiết ngoại trừ một điều rằng bố anh ấy có phàn nàn về tình trạng táo bón ngày càng tăng kéo dài 2 – 3 tháng nay và đã thử dùng thuốc nhuận tràng senna nhưng không đỡ. 

Nhìn nhận của người dược sĩ
Hỏi người thứ ba hoặc người mua giùm thuốc thường là một thách thức cho người được hỏi vì người được hỏi không biết toàn bộ thông tin của bệnh nhân. Tuy nhiên trong trường hợp này sự quyết định là khá rõ. Người bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ vì tiền sử táo bón kéo dài và đã dùng thuốc nhuận tràng kích thích nhưng không kết quả .  .

Nhìn nhận của người bác sĩ
Giới thiệu bệnh nhân tới bác sĩ nên được khuyến khích trong tình huống này. Thuốc đặt glycerin là phương pháp điều trị an toàn để sử dùng trong thời điểm này.  Rõ ràng cần thu thập thêm những thông tin khác là cần thiết để đưa ra ý kiến và chẩn đoán.

Sự biến đổi dai dẳng và nặng dần về thói quen đi cầu cần được giới thiệu đến bệnh viện để có những thăm dò chuyên sâu nhằm tầm soát ung thư ruột già. Bác sĩ nên tổng hợp thêm các triệu chứng của người bệnh và tiến hành thăm khám bụng và soi trực tràng. Các thủ thuật này nhằm xác nhận có sự xuất hiện của khối u trực tràng hay không.Sẽ rất hợp lý để chuyển khẩn cấp bệnh nhân tới nơi có điều kiện thăm khám chuyên sâu. Tại bệnh viện các thăm khám bao gồm soi đại tràng sigma g  kết hợp với chụp XQ có thụt thuốc cản quảng bari và/hoặc nội soi đại tràng. Trong nội soi đại tràng, một ống mềm và/hoặc được luồn qua hậu môn và sau đó đưa lên và dò xung quanh toàn bộ ruột già đến manh tràng .

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire