jeudi 28 janvier 2016

CLS - Tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị ĐTĐ

Ca 1 – Tác dụng không mong muốn
TIÊU CHẢY TÁI DIỄN
Ông A, 55 tuổi, vừa được chẩn đoán mắc đái tháo đường typ 2. Bác sỹ kê cho ông Glucophage 850 (Metformin Clohydrat), 1 viên/ngày trong vòng 1 tuần sau đó tăng lên 2 viên/ngày. Kể từ khi bắt đầu dùng thuốc, ông A có phàn nàn về việc mắc tiêu chảy và đau bụng. Dược sỹ đã bán cho ông thuốc Peracel và chỉ ra rằng những rối loạn tiêuhóa trên có thể do metformin gây ra và ông cần phải nói chuyện với bác sỹ. Sau nhiều lần thăm khám, bệnh nhân đã được kê loperamide dùng cùng với các thuốc điều trị tiểu đường. Vào tháng 7, ông A báo với bác sỹ rằng các rối loạn tiêu hóa đã trở nên nặng hơn, và bác sỹ đã thay Glucophage bằng Stagid 700 (Metformin embonat) do dạng muối embonat dễ dung nạp hơn. Trong kỳ nghỉ, do tình trạng đau bụng kèm theo các rối loạn do say tàu xe đã trở nên trầm trọng và ông A đã ngừng uống Stagid. Bắt đầu từ tháng 9, chỉ số HbA1c của ông A đã tăng lên 8,3%. Ông A chỉ có hẹn với bác sỹ sau 5 tuần nữa.

Lời khuyên với bệnh nhân
Việc các rối loạn tiêu hóa tiếp tục tiếp diễn khi dùng Stagid đã khẳng định bệnh nhân không dung nạp metformin, do đó cần phải đánh giá lại việc điều trị. Bệnh nhân cần phải tham khảo ý kiến bác sỹ,

PHÂN TÍCH CA
Metformin là thuốc điều trị đầu tay cho bệnh nhân đái tháo đường typ 2 do hiệu quả của nó trong việc kiểm soát HbA1c và ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường. Tuy nhiên, metformin thường gây ra các rối loạn tiêu hóa phụ thuộc vào liều và thường xuất hiện khi bắt đầu điều trị. Một số bệnh nhân (10%) có xuất hiện đi ngoài phân lỏng, đôi khi sau vài tháng điều trị, các triệu chứng này có thể biến mất tạm thời khi dùng các thuốc đièu trị tiêu chảy và xuất hiện trở lại khi ngừng dùng. Việc thay đổi dạng muối từ clohydrat (Glucophage) thành embonat (Stagid) có thể cải thiện dung nạp. Ở ông A, việc thay đổi dạng muối không làm giảm tiêu chảy. Giải pháp duy nhất là ngừng dùng metformin, và chuyển sang dùng thuốc khác, dựa trên chỉ số HbA1c.

*Chú ý: Nếu xảy ra tiêu chảy khi dùng metformin có thể cần phải đổi thuốc.

XỬ TRÍ
Dược sỹ đã khuyến khích bệnh nhân tham khảo ý kiến bác sỹ ngay lập tức, không cần phải đợi đến lịch hẹn, để thông báo về sự không dung nạp thuốc. Ông A do đó đã đến gặp bác sỹ và được kê Diamicron 30 LM (gliclazid), 1 lần/ngày. Khi phát thuốc, dược sỹ đã chỉ rõ cách dùng gliclazid viên giải phóng thay đổi: dùng vào buổi sáng trước khi ăn sáng (nếu không dùng vào trước bữa sáng, cần dùng trước bữa ăn tiếp theo), không uống bù nếu quên … Bên cạnh đó, do có nguy cơ hạ đường huyết, bệnh nhân cần theo dõi đường huyết thường xuyên hơn trong tuần đầu tiên. Cần phải một vài ngày để viên nén gliclazid phát huy tác dụng tối đa trên ông A.

CÁC CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2
·         Việc điều trị đái tháo đường typ 2 dựa trên chế độ dinh dưỡng, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường:
o   Trong trường hợp cân nặng bình thường (5-10% bệnh nhân), cần tôn trọng sự cân bằng trong khẩu phần ăn.
o   Trong trường hợp quá cân, béo bụng là nguyên nhân gây kháng insulin. Mục tiêu của chế độ dinh dưỡng là giảm 5-10% cân nặng cơ thể bằng một chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng: 15% protein, 50-55% glucid và 30-35% lipid.
·         Các khuyến cáo chính về dinh dưỡng:
o   Giảm hấp thu chất béo bão hõa (Dầu cọ)
o   Ưu tiên dùng dầu thực vật chưa bão hõa (Dầu olive, dầu hạt cải)
o   Ưu tiên các loại glucid hấp thu chậm mỗi bữa: tinh bột, ngũ cốc và chất xơ làm giảm hấp thu glucid
o    Chỉ dùng các loại glucid hấp thu nhanh (có vị ngọt) với lượng vừa phải vào cuối bữa
o   Ăn 3-4 bữa một ngày, tránh ăn vặt.
·         Các hoạt động thể lực: Ưu tiên các hoạt động rèn luyện thể lực, tùy vào khả năng từng bệnh nhân (đạp xe, đi bộ, bơi lội, làm việc nhà, làm vườn), ít nhất 30 phút, 3 lần mỗi tuần.
·         Cai thuốc lá và rượu nếu cần.


 Ca 2 – Tác dụng không mong muốn
CÓ NGUY CƠ UNG THƯ KHÔNG?
Cô B, 29 tuổi mắc đái tháo đường từ khi vị thành niên. Hiện giờ, cô đang dùng Humalog (insulin lispro) 3 lần vào ban ngày và Lantus Solostar (insulin glargine) vào buổi tối. Cô B muốn có thai. Khi tìm kiếm trên mạng về “đái tháo đường và thai sản”, cô đã đọc được thông tin rằng insulin glargine có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Cô cám thấy lo lắng và không còn tin tưởng vào thuốc đang dùng nữa.

Cần phải hiểu đúng thông tin như thế nào?
Có rất nhiều nghiên cứu ghi nhận sự gia tăng các ca mắc ung thư nhưng chỉ trên một số đối tượng bệnh nhân đặc biệt.

PHÂN TÍCH CA
Insulin glargine là một loại insulin nguồn gốc từ người có tác dụng kéo dài, đã được sử dụng trong vài năm. Nó khác với insulin người ở cấu hình acid amin, giúp cho nó có tác dụng kéo dài, chỉ cần dùng 1 lần/ngày và tăng aí lực với receptor IGF-1 (Insulin-like growth factor 1 – Yếu tố sinh trưởng giống insulin 1), receptor này có thể đóng vai trò trong việc tăng trưởng của các khối u. Các nghiên cứu hồi cứu đã chỉ ra sự tăng nhẹ có ý nghĩa thống kê nguy cơ mắc một vài loại ung thư. Tuy nhiện các dữ liệu này cho thấy mức độ bằng chúng thấp. Nghiên cứu chỉ tiến hành trên các bệnh nhân đái tháo đường typ 2 chỉ điều trị bằng insuline glargine và không dùng loại insulin nào khác, đây không phải là trường hợp của cô B. Kết quả của một nghiên cứu mới đang được chờ đợi công bố vào tháng 6 năm 2011.

*Cần nhớ: Sự tăng nguy cơ mắc ung thư có thể xảy ra khi dùng insulin glargine.. Tuy nhiên cần có những nghiên cứu bổ sung để khẳng định nguy cơ này.

XỬ TRÍ
Dược sỹ đảm bảo với cô B và khuyên cô nên bàn bạc với bác sỹ. Bên cạnh đó, mong muốn có thai cũng cần được thông báo với bác sỹ do cần phải kiểm soát chặt chẽ bệnh đái tháo đường trong suốt quá trình kể từ khi có mong muốn đến suốt quá trình mang thai.


 Ca 3 – Tác dụng không mong muốn
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG HIỆU QUẢ
Ông B, nặng 82kg và cao 1m68, dang điều trị đái tháo đường bằng metformin 1000, Diamicron LM (gliclazid) và Glucor 50 (acarbose), kèm theo Cozaar (losartan) và Tahor (atorvastatin). Do chỉ số HbA1c của bệnh nhân luôn > 8%, bác sỹ đã thêm vào Byetta (exenatid). Ông B vui mừng thông báo rằng nhờ chế độ ăn và thuốc mới, ông đã sụt 3kg trong vòng 2 tuần.

Dược sỹ nghĩ gì về việc này?
Việc dùng exenatide thường dẫn đến giảm cân, tuy nhiên việc giảm cân cần phải hợp lý.

PHÂN TÍCH CA
Exetanid là chất chủ vận GLP-1 (Glucagon-like peptide 1), nó bắt chước hoạt động của incretin, cụ thể là tăng tiết insulin và giảm tiết glucagon, tham gia vào việc điều hòa trạng thái no bằng cách giảm cảm giác đói và làm chậm thự tháo rỗng dạ dày. Exenatid gây giảm 1 đến 2 kg, dẫn đến giảm kháng insulin và do đó tăng chỉ số HbA1c. Ngược lại, ở một số bệnh nhân (6%), nó gây giảm cân nhanh và liên tục, trên 1,5kg/tuần. Điều này có thể dẫn đến sỏi mật, rối loạn điện giải hoặc mất nước.

*Chú ý: Nếu sử dùn exenatid dẫn đén giảm trên 1,5kg/tuần thì cần xem xét dừng thuốc sau khi đã tham khảo ý kiến bác sỹ.

XỬ TRÍ 

Việc kê Byetta đã khiến bệnh nhân có ý thức về tầm quan trọng của lời khuyên về dinh dưỡng. Việc giảm calorie có thể có tác dụng nhanh, bổ sung thêm vào tác dụng giảm cân của Byetta. Có lẽ, chế độ ăn đã có hiệu quả. Dược sỹ cần khuyến khích bệnh nhân nói với bác sỹ về việc cân nặng thay đổi trong lần khám tói để loại bỏ khả năng tác dụng không mong muốn của exenatid có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc.

ThS.DS. Nguyễn Duy Hưng
Nguồn: Le Moniteur des Pharmacies. N3016. 2011. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire