lundi 10 août 2015

Tư vấn tại quầy thuốc: Vấn đề cơ xương



Dịch: Thái Nguyễn Thu Trang, Sinh viên Dược K65, Đại học Dược Hà Nội
Hiệu đính: ThS.DS. Võ Thị Hà, ĐH Y Dược Huế
Nguồn: Alison Blenkinsopp, Paul Paxton and John Blenkinsopp (2014). Symptoms in the Pharmacy - A Guide to management of common illnesses 7th.

Các dược sỹ thường được yêu cầu đưa ra các lời khuyên về chấn thương cơ, căng cơ và bong gân. Lời khuyên đơn giản có giá trị là sử dụng phối hợp các thuốc OTC toàn thân hoặc tại chỗ. Thỉnh thoảng, có những bệnh nhân có vấn đề cơ xương đã dùng các thuốc kê đơn nhưng vẫn muốn được tư vấn bởi dược sĩ. Dưới đây là bảng các thông tin cần đánh giá cẩn thận để xác định thuốc cần dùng hoặc có cần đi khám bác sĩ hay không.
Những thông tin dược sĩ cần biết
Tuổi: Trẻ em, người trưởng thành, người cao tuổi
Triệu chứng
Đau, sưng, vị trí, thời gian
Tiền sử
Chấn thương
Tình trạng sức khỏe
Các thuốc đang dùng

1. Tầm quan trọng của các thông tin thu thập
1.1. Tuổi
 Tuổi sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của dược sĩ trong điều trị, ngoài ra còn có các lý do khác khiến tuổi là một thông tin quan trọng. Ở bệnh nhân cao tuổi, gãy xương có thể là kết quả của việc bị té ngã; phụ nữ cao tuổi đặc biệt có nguy cơ cao do bệnh loãng xương. Lời khuyên tốt nhất trong các trường hợp này là đến cơ sở y tế để chụp X- quang.

1.2. Tiền sử và triệu chứng
  Chấn thương thường là kết quả của một cú ngã hoặc các sang chấn khác, trong quá trình vận động như mang vác vật nặng hoặc chơi thể thao. Dược sĩ nên tìm hiểu thông tin chi tiết chấn thương đã xảy ra như thế nào.
a. Bong gân và căng cơ
  Bong gân
Là chấn thương liên quan đến sự căng dây chằng và/hoặc màng khớp, đôi khi còn kèm trầy xước, rách. Chứng bong gân phổ biến nhất thường liên quan đến dây chằng bên mắt cá chân. Trong trường hợp này tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra các vùng bị ảnh hưởng và xem xét dây chằng có bị rách không, đặc biệt trong chấn thương đầu gối. Vết rách một phần ở đầu gối thường sưng và đau dữ dội khi di chuyển. Rách hoàn toàn có thể liên quan đến việc rách cả màng khớp. Nếu điều này xảy ra, máu hoặc dịch có thể rò ra ngoài mô vì vậy đầu gối có thể không sưng.
  Căng cơ
Căng cơ là chấn thương khi các sợi cơ bị tổn thương do rách hoặc căng quá mức. Đôi khi các sợi trong vỏ cơ bị rách hoặc chính vỏ cơ tự vỡ và gây chảy máu. Căng cơ phổ biến ở các cơ hoạt động qua hai khớp, ví dụ các chấn thương gân kheo. Khi căng cơ hết, các cơ có thể bị xơ hóa và ngắn lại. Vì thế sau này các cơ này càng dễ bị tổn thương hơn. Thực hiện vận động sớm, các bài tập tăng cường, các bài tập phối hợp đều quan trọng sau khi xảy ra căng cơ và bong gân. Việc trở lại với các hoạt động hàng ngày cần diễn ra từ từ.
b. Đau cơ
   Cứng và đau cơ có thể chỉ là hậu quả khi làm việc vất vả hoặc chưa quen, ví dụ: làm vườn, trang trí nhà cửa hoặc tập thể dục. Có thể khắc phục bằng điều trị với các thuốc OTC.
c. Bầm tím
  Sau khi chấn thương xuất hiện các vết bầm tím là chuyện bình thường, có thể dùng các thuốc OTC để làm giảm bầm tím. Dược sĩ cần cảnh giác với các bầm tím xuất hiện mà không có chấn thương, hoặc bệnh nhân có tiền sử dễ bị bầm tím hơn so với bình thường, vì đó có thể cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng. Tự nhiên vị bầm tím có thể là triệu chứng của chứng rối loạn máu, ví dụ giảm tiểu cầu hoặc bệnh bạch cầu, hoặc phản ứng có hại của thuốc hoặc do các nguyên nhân khác.
d. Chấn thương đầu
  Nên xem xét kĩ lưỡng với những bệnh nhân bị đau sau khi chấn thương đầu, đặc biệt ở trẻ em, tốt nhất nến đến gặp bác sĩ để đánh giá kĩ hơn.
e. Viêm bao hoạt dịch
  Các vấn đề cơ xương khác mà dược sĩ có thể phải tư vấn là viêm bao hoạt dịch. Đó là tình trạng viêm của bao hoạt dịch. Bao hoạt dịch là tên được đặt cho các mô xung quanh khớp và là nơi các xương chuyển động lên nhau. Chức năng của bao hoạt dịch là giảm ma sát khi chuyển động. Ví dụ về viêm bao hoạt dịch: viêm tại đầu gối của người giúp việc hay khuỷu tay của học sinh.
  Đau cơ xơ hóa là chứng đau mạn tính phổ biến ở các cơ bắp nhưng không phải ở khớp.  Các điểm đau có thể được phát hiện ở các cơ và có thể kèm rối loạn giấc ngủ. Nghiên cứu sóng não thường cho thấy bệnh nhân bị mất giai đoạn ngủ sâu. Tình trạng này có thể là sự kết hợp bởi căng thẳng tâm lý và chấn thương vật lý. Các triệu chứng có thể tương tự như viêm não. Nên khuyến khích bệnh nhân đến gặp bác sĩ. Sự thể hiện  đồng cảm của các bác sĩ là quan trọng vì nhiều bệnh nhân cảm thấy bị từ chối hoặc các vấn đề của họ không được giải quyết nghiêm túc bởi các nhân viên y tế. Thuốc men (ví dụ: Các thuốc chống trầm cảm ba vòng, NSAID và gabapentin) đem lại các lợi ích hạn chế trong trường hợp này.
f. Tê cứng vai
  Tê cứng vai là tình trạng thường gặp trong đó vai bị cứng và đau. Phổ biến ở các bệnh nhân lớn tuổi. Cơn đau vai thỉnh thoảng lan tỏa xuống cánh tay và nặng hơn vào ban đêm. Đôi khi liên quan đến các chấn thương, gắng sức hoặc tiếp xúc với lạnh nhưng tê cứng vai cũng có thể xảy ra mà không rõ nguyên nhân. Sự đau đớn và hạn chế khi cử động thường nghiêm trọng đến mức phải đến gặp bác sĩ.
g. Đau khớp
  Đau xảy ra trong khớp (đau khớp) có thể do viêm khớp hoặc do nhiều nguyên nhân khác. Cơn đau có thể có sưng, viêm, cứng khớp, hạn chế vận động và khớp bị biến dạng. Nguyên nhân phổ biến của viêm khớp là do thoái hóa khớp - do khớp bị bào mòn. Điều này thường ảnh hưởng đến đầu gối và hông, đặc biệt ở người cao tuổi. Một hình thức khác của viêm khớp là viêm khớp dạng thấp, là căn bệnh phổ biến gây ra do phản ứng tự miễn của cơ thể. Các trường hợp viêm khớp khác có thể do bệnh gút hoặc nhiễm trùng, thường có dấu hiệu viêm và sưng. Nhiễm trùng khớp hiếm gặp và đôi khi dẫn đến tử vong. Nó thường rất khó để phân biệt với các nguyên nhân khác vì thế cần thiết phải tham khảo ý kiến bác sĩ trừ trường hợp nhẹ.
h. Đau lưng
   Đau lưng vùng dưới thường ảnh hưởng đến 60- 80% người, xảy ra vào một số giai đoạn tuổi và thường tái phát. Đau lưng cấp tính không nghiêm trọng cần được điều trị sớm bằng vận động và tập thể dục, được cho là đặc biệt quan trọng trong dự phòng đau lưng dưới mạn tính. Nhìn chung đau lưng dưới cấp tính thường kéo dài dưới 6 tuần, bán cấp 6- 12 tuần, mạn tính kéo dài hơn 12 tuần. Nhừng nguyên nhân chính gồm căng cơ hoặc các phần mềm khác (ví dụ dây chằng, gân) liên quan đến đốt sống. Đôi khi lớp đệm giữa các xương (đĩa đệm - intervertebral disc) bị căng, lồi ra (thoát vị - herniates) và ép lên các dây thần kinh gần đó (như trong đau dây thần kinh tọa). Nếu đau lưng dưới không nghiêm trọng và có thể chịu được, xuất hiện do căng cơ sau khi làm vườn, cúi người hoặc nâng đồ sai tư thế thì các dược sĩ có thể tư vấn điều trị cho bệnh nhân. Trong trường hợp đau lưng đơn giản không nên khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường. Lời khuyên đưa ra là duy trì vận động, sử dụng kèm thuốc giảm đau. Có bằng chứng từ các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy duy trì vận động như bình thường sẽ làm tăng khả năng hồi phục, giảm đau, giảm biến chứng, giảm thời gian phải nghỉ việc so với việc nghỉ ngơi. Nếu vẫn không có cải thiện trong 1 tuần thì nên đến gặp bác sĩ.
  Khi cơn đau nặng hơn, gây khó khăn cho việc di chuyển, hoặc lan từ lưng xuống một hoặc cả hai chân thì cần khuyên đi khám bác sĩ. Đĩa đệm có thể gây tăng áp lực lên các dây thần kinh hông (đau dây thần kinh tọa), gây đau, đôi khi có cảm giác chân bị tê, như bị kim đâm. Đau lưng dưới kèm triệu chứng thay đổi cảm giác ở hậu môn,cơ quan sinh dục hoặc bàng quang cần khám bác sĩ ngay lập tức.
 Đau lưng ở phần giữa đến phần trên của lưng ít phổ biến. Nếu đã bị đau lưng trong vài ngày thì nên đến gặp bác sĩ. Đau thận cũng có thể cảm nhận phía sau lưng, ởphần lưng giữa ở hai bên - ngay dưới lồng ngực. Nếu đau ở vùng thắt lưng kèm với nước tiểu bất thường (nước tiểu đổi màu, đau khi tiểu, thay đổi số lần đi tiểu) thì có thể bệnh nhân có vấn đề ở thận.
i. Chấn thương do vận động lặp đi lặp lại (Repetitive strain disorder*)
  Chấn thương do vận động lặp đi lặp lại bao gồm các triệu chứng ở cánh tay, chủ yếu ảnh hưởng đến cẳng tay. Viêm bao gân là thuật ngữ được sử dụng để chỉ tình trạng bệnh ở xung quanh cổ tay, đôi khi xảy ra ở người sử dụng nhiều máy tính. Các triệu chứng gồm sưng ở mặt sau của cẳng tay, có thể nghe tiếng lạo xạo khi vận động cổ tay. Đôi khi triệu chứng biến mất khi không làm việc nhưng tái phát ngay khi bắt đầu làm việc.
j. Chấn thương Whiplash (Whiplash injuries)
   Là trường hợp đau cổ sau khi gặp tai nạn xe cộ kéo dài trong khoảng thời gian dài - một vài trường hợp lên đến 2 năm. Giữ đúng tư thế là rất quan trọng trong trường hợp này, giữ cả lưng và đầu thẳng được chứng minh là giúp giảm đau và nhanh hồi phục. Các nhà vật lý trị liệu còn đề nghị nên ngủ với chỉ một chiếc gối giúp kéo giãn cổ.

1.3. Các thuốc đang dùng
Thuốc kê đơn
Bệnh nhân, ví dụ người bị viêm khớp dạng thấp, đau lưng dưới mạn tính thường được bác sĩ kê các thuốc giảm đau hoặc các NSAID. Mặc dù khuyến cáo dùng thuốc giảm đau tại chỗ không gây ra vấn đề gì về tương tác thuốc, tuy nhiên nếu bệnh nhân bị đau thường xuyên và đáng kể dù đã sử dụng thuốc, hoặc cơn đau trở nên tệ hơn, thì nên đến bác sĩ khám lại.
Tác dụng phụ
Nên nhớ rằng ở những bệnh nhân cao tuổi, ngã có thể xảy ra do hạ huyết áp thế đứng, chóng mặt, lú lẫn hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Bất kỳ bệnh nhân cao tuổi nào bị ngã đều nên được hỏi cẩn thận về tiền sử dùng thuốc gần đây và dược sĩ nên liên lạc với bác sĩ của bệnh nhân nếu nghi ngờ xảy ra phản ứng bất lợi của thuốc.
Tự ý dùng thuốc
Dược sĩ phải tìm hiểu về các chế phẩm mà bệnh nhân đã tự ý dùng cũng như mức độ hiệu quả của chúng.

2. Các trường hợp nên khuyên bệnh nhân đi khám bác sĩ
Khi nào nên đi khám bác sĩ
Nghi ngờ gãy xương
 Ngã hoặc bầm tím nghi ngờ do tác dụng bất lợi của thuốc
 Chấn thương đầu
 Thất bại điều trị
 Viêm khớp
 Đau lưng nặng
 Đau lưng (và/ hoặc tê) lan tảo xuống chân
 Đau lưng ở trên hoặc giữa lưng (đặc biệt là ở bệnh nhân cao tuổi)

3. Tiến trình điều trị
  Tình trạng đau cơ, xương thường đáp ứng với thuốc trong vài ngày điều trị. Khuyến cáo tối đa là năm ngày điều trị, sau đó nếu không đỡ bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ.

4. Điều trị
  Có rất nhiều chế phẩm bao gồm cả giảm đau tại chỗ và toàn thân trên thị trường. Thuốc giảm đau đường uống nên lựa chọn là một NSAID, ví dụ ibuprofen, với điều kiện là không có chống chỉ định. Điều quan trọng khi sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên là phải biết đầy đủ tác dụng của chúng, bệnh nhân cũng phải biết điều này. Các chế phẩm dùng tại chỗ bao gồm kem, thuốc mỡ, lotion, thuốc xịt và miếng dán.

4.1. Thuốc giảm đau tại chỗ
 Hiệu ứng placebo là cao với thuốc giảm đau tại chỗ (tức dù dùng thuốc placebo tại chỗ cũng có tác dụng giảm đau cao). Điều này có thể do tác dụng của việc xoa bóp các vùng bị đau cùng với chế phẩm, làm tăng lưu lượng máu, kích thích các dây thần kinh, dẫn đến giảm đau.

4.2. Nhóm chất gây kích thích da và chất gây xung huyết da (Counterirritant và rubefacient)
 Nhóm Chất kích thích da và chất gây xung huyết da gây giãn mạch, tạo cảm giác dễ chịu ở vùng được bôi thuốc. Chế phẩm Counterirritant gây kích ứng da nhẹ, Chất gây xung huyết da có thể làm da bị nóng đỏ. Lý thuyết giải thích cho tác dụng các thuốc giảm đau tại chỗ này là chúng gây ra các cảm giác khác tác động lên hệ thần kinh (làm ấm, kích thích), làm sao lãng sự chú ý của hệ thần kinh về cảm giác đau. Đơn giản chỉ cần xoa bóp hoặc cọ xát vùng bị đau sẽ sinh ra cảm giác ấm nóng, tạo áp lực, giúp giảm đau. Mát xa có thể làm cơ bắp thư giãn và làm tăng phân tán thuốc ở vùng bị đau do tăng lưu lượng máu. Tác dụng của thuốc giảm đau tại chỗ gồm hai yếu tố: một là ảnh hưởng dựa vào sự hấp thu của các thuốc thông qua da, còn lại là lợi ích của việc mát xa. Không có bằng chứng được công bố về hiệu quả của nhóm Chất kích thích da và chất gây xung huyết da. Điều này cũng không quá ngạc nhiên vì các chế phẩm và hoạt chất này đã tồn tại nhiều năm nay.
  Có rất nhiều chế phẩm trên thị trường, thường kết hợp các thành phần với những tính chất khác nhau. Hầu hết các dược sĩ và khách hàng đều có những sản phẩm yêu thích của riêng mình. Đối với bệnh nhân sống một mình, chế phẩm dạng xịt, không cần phải mát xa có thể được khuyên dùng cho những vùng như lưng và vai. Nhìn chung, bệnh nhân có thể được khuyên dùng chế phẩm giảm đau tại chỗ 4 lần/1 ngày.
Methyl salicylate
  Hiện nay, Methyl salicylate là chất kích thích da được sử dụng rộng rãi nhất. Là hợp chất có trong cây Lộc Đề, ngoài ra cũng có thể được tổng hợp hóa học. Một tổng quan hệ thống y văn cho thấy Salicylate có hiệu quả trong giảm đau cấp tính tuy nhiên các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng được xem xét lại không được thiết kế tốt. Các chế phẩm thường được sử dụng ở nồng độ từ 10 đến 60% trong công thức giảm đau tại chỗ.
Nicotinate
  Nicotinate (ví dụ ethyl nicotinate, hexyl nicotinate) được hấp thụ qua da, làm da bị nóng đỏ, tăng lưu lượng máu. Methyl Nicotinate được sử dụng ở nồng độ 0.25-1%. Thường xuyên có các báo cáo về tác dụng phụ trên toàn thân của Nicotinate, như chóng mặt, ngất xỉu do tụt huyết áp quá mức sau giãn mạch. Tuy nhiên tác dụng phụ này thường hiếm và chỉ xảy ra ở những người nhạy cảm hoặc bôi thuốc trên diện tích bề mặt lớn.
Menthol
Menthol có tác dụng làm mát khi bôi lên da và hoạt động như một chất kích thích da nhẹ. Nồng độ ở dạng chế phẩm tại chỗ có thể lên tới 1%, menthol có tác dụng chống ngứa, nhưng ở nồng độ cao nó có tác dụng như một chất kích thích da. Khi bôi lên da, menthol mang lại cảm giác mát tiếp theo là ấm áp.
Capsaicin/Capsicum
  Cảm giác cay nóng khi ăn ớt là do có sự kích thích thần kinh ở da, đường hô hấp, các cơ quan. Các chế phẩm Capsaicin, ví dụ Capsaicin capsicum, Capsicum oleoresin tạo cảm giác ấm áp khi bôi lên da. Các thuốc này không gây mẩn đỏ, do không tác động lên mao mạch hoặc các mạch máu khác. Capsaicin (thuốc kê đơn) là đối tượng  nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng, được sử dụng là thuốc giảm đau sau khi bị Herpes và nghiên cứu này vẫn đang được thực hiện. Các nghiên cứu ở các bệnh nhân viêm khớp cũng cho thấy thuốc có hiệu quả. Capsaicin có ít tác dụng phụ. Chỉ cần bôi một lượng nhỏ lên vùng bị đau. Bệnh nhân nên rửa sạch tay sau khi sử dụng, nếu không họ có thể vô tình chạm vào mắt, gây nóng rát và bỏng mắt.

4.3. Tác nhân chống viêm tác dụng tại chỗ
Thuốc chống viêm tại chỗ như gel bôi, kem và thuốc mỡ có chứa NSAID được sử dụng rộng rãi tại Anh. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy chúng có tác dụng tương tự như NSAID đường uống trong giảm đau cơ, xương. Chưa có thử nghiệm so sánh với chất kích thích da và chất gây xung huyết da. Ibuprofen, felbinac, ketoprofen và piroxicam có trong rất nhiều chế phẩm dạng gel và kem. Thuốc được hấp thu vào máu và nồng độ thuốc tập trung ở vùng bị đau. Các NSAID dùng tại chỗ (trừ benzydamide) không nên sử dụng cho các bệnh nhân có phản ứng bất lợi với Aspirin, như hen suyễn, mày đay, viêm mũi. Do bệnh nhân hen dễ nhạy cảm với Aspirin nên cần thận trọng khi tư vấn sử dụng NSAID tại chỗ. Đã có một vài báo cáo về việc co thắt phế quản sau khi sử dụng các chế phẩm này. Hiếm khi, tác dụng phụ trên đường tiêu hóa xảy ra, chủ yếu là rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy.

4.4. Heparinoid và hyaluronidase
Heparinoid và hyaluronidase là các enzyme có thể làm tiêu dịch phù nề ở các vùng bị sưng. Vì vậy có thể giảm sưng và bầm tím. Chế phẩm chứa Heparinoid và hyaluronidase được sử dụng để điều trị bầm tím, căng cơ và bong gân.

4.5. Glucosamine và chondroitin
Có các bằng chứng về việc glucosamine sulfate và chondroitin cải thiện triệu chứng trong thoái hóa khớp ở đầu gối và lợi ích của glucosamine trên các khớp. Nghiên cứu cũng cho thấy glucosamin có tác dụng tương tự như NSAID trong điều trị giảm đau. Tuy nhiên chất lượng của một số nghiên cứu còn thấp. Hầu hết thử nghiệm ở liều 1.500mg glucosamine hàng ngày. Tác dụng phụ không phổ biến bao gồm đau và khó chịu ở bụng, ợ nóng, tiêu chảy và buồn nôn. Không có đủ thông tin về chất lượng dược phẩm và hàm lượng glucosamine thực trong các chế phẩm thuốc để giúp dược sĩ có thể đưa ra lời khuyên chọn lựa giữa các chế phẩm. Một số chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên (vỏ cua và các động vật giáp xác khác), trong khi một số khác được tổng hợp từ axit glutamic và glucose. Chế phẩm glucosamine được chấp nhận lưu hành từ năm 2007, ban đầu chỉ giới hạn sử dụng theo đơn. Hướng dẫn điều trị NICE 2008 gợi ý nếu bệnh nhân muốn dùng Glucosamine OTC thì nên được tư vấn đánh giá cơn đau trước khi sử dụng và đánh giá lại sau 3 tháng.

4.6. Châm cứu
  Không có một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) nào về châm cứu trong điều trị đau lưng dưới cấp tính vì vậy không có bằng chứng về hiệu quả của nó. Trong đau lưng dưới mạn tính, 8 trên 11 RCT cho thấy châm cứu không có hiệu quả hơn dùng giả dược. Ở bệnh nhân thoái hóa khớp đầu gối, châm cứu cho thấy lợi ích trong giảm đau và cải thiện chức năng. Hiệu quả của châm cứu trong thoái hóa khớp đầu gối cũng tương tự như NSAID và tập thể dục.

5. Các lưu ý thực hành
5.1. Xử trí cấp cứu khi bong gân và căng cơ
  Ưu tiên trong điều trị bong gân và chấn thương phần mềm là chườm lạnh, băng ép, nâng phần chấn thương cao hơn tim, duy trì trong ít nhất 48 giờ. Mặc dù trước đây chườm lạnh là ưu tiên hàng đầu tuy nhiên bằng chứng nghiên cứu mới nhất gợi ý rằng băng ép nên được thực hiện đầu tiên. Mục đích là để giảm sưng. Nếu sưng không giảm thì đau và áp lực gây hạn chế vận động, dẫn đến teo cơ, gây đau và chậm hồi phục. Chườm bằng túi đá sẽ làm giảm nhu cầu trao đổi chất của các mô, giảm lưu lượng máu, giảm tổn thương các mô và sưng nhưng không ngăn được xuất huyết. Vùng bong gân nên được quấn bằng băng gạc và được giữ bằng băng keo thun. Sau khi vết thương được băng bó và băng ép thì chườm lạnh bằng túi đá, nhằm gây co mạch, ngăn ngừa chảy máu từ các mao mạch bị tổn thương từ đó giảm thiểu vết bầm tím và sưng. Có thể sử dụng túi đá y khoa bán sẵn hoặc  trong trường hợp cấp cứu có thể sử dụng cáctúi tự chế. Ví dụ túi đậu Hà Lan đông lạnh là một túi đá chườm tuyệt vời cho đầu gối và mắt cá chân. Vì nó có thể đặt dễ dàng xung quanh các khớp bị ảnh hưởng.
  Các chi bị tổn thương nên được nâng lên cao để giảm lưu lượng máu tới vùng tổn thương do tác động của trọng lực. Điều này làm giảm sưng do phù nề. Cuối cùng các chi bị tổn thương cần được nghỉ ngơi để bình phục. Phương pháp R.I.C.E rất hữu ích trong xử trí bong gân và căng cơ
R - Rest (Nghỉ ngơi)
I - Ice (Chườm lạnh)
C - Compression (Băng ép)
E - Elevation (Nâng cao)
Chườm nóng
   Chườm nóng có thể giảm đau. Tuy nhiên, không bao giờ được chườm nóng ngay khi gặp chấn thương, do sức nóng sẽ làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu tới vùng tổn thương, gây phản tác dụng. Sau khi giai đoạn cấp tính đã qua (1 đến 2 ngày sau chấn thương), chườm nóng sẽ có tác dụng. Chườm nóng có thể tạo cảm giác dễ chịu và hiệu quả trong điều trị đau mạn tính ví dụ đau lưng. Bệnh nhân có thể đặt một chai nước nóng, túi giữ nhiệt hoặc đèn hồng ngoại lên vùng đau. Gói giữ nhiệt chứa hỗn hợp các chất hóa học tỏa nhiệt và chỉ dùng một lần. Giữ ấm các cơ và khớp có thể có ích vì vậy nên mặc quần áo ấm, đặc biệt là nhiều lớp mỏng để giữ nhiệt.
Phòng ngừa đau lưng tái phát
   Giữ tư thế đúng, nâng đồ đúng cách, giảm cân khi thừa cân, dùng tấm nệm ngủ phù hợp có tác dụng trong phòng ngừa đau lưng tái phát. Nâng cao ý thức về giữ đúng tư thế và chăm sóc cơ thể là quan trọng, có thể tham gia các lớp học để có tư thế đúng (ví dụ kỹ thuật Feldenkrais** và Alexander***). Thừa cân sẽ tạo áp lực lên cột sống dẫn đến thay đổi cấu trúc và tổn thương (ví dụ chấn thương, đau dây thần kinh tọa). Phần lưng dưới đặc biệt dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của béo phì, ít tập thể dục, làm kém dẻo dai và yếu cơ lưng.
Tác dụng kích ứng của thuốc giảm đau tại chỗ
Trên tránh để chế phẩm chứa thuốc giảm đau tại chỗ tiếp xúc với vùng mắt, miệng, niêm mạc nhầy và bôi lên vùng vết thương hở. Sau khi tiếp xúc có thể gây kích ứng và đau dữ dội. Điều này là do sự xâm nhập của các chất giảm đau qua bề mặt niêm mạc và trực tiếp qua vùng da hở. Sự kích thích khi bôi chế phẩm bôi lên vùng da mỏng và nhạy cảm  vì vậy nhiều nhà sản xuất khuyến cáo không nên sử dụng chế phẩm giảm đau tại chỗ cho trẻ em. Vì vậy trước khi sử dụng nên đọc kĩ hướng dẫn trước khi sử dụng. Bệnh nhân nên ngừng sử dụng counterirritant nếu sau khi dùng bị kích ứng - da phồng rộp hoặc bị kích ứng dữ dội.

6. Các trường hợp điều trị vấn đề cơ xương trên thực tế
Ca 1
  Anh C., hơn 20 tuổi, một khách hàng thường xuyên của quầy thuốc đến gặp dược sĩ. Anh ấy muốn được tư vấn về chứng đau lưng dưới của mình sau khi chơi đá bóng vào tuần trước. Anh C. nghĩ mình bị căng cơ và cho biết trước đây mình cũng từng bị như vậy tại cùng một vị trí. Sau khi hỏi thêm thông tin, dược sĩ biết rằng bệnh nhân chưa điều trị cũng như uống bất kỳ thuốc giảm đau nào. Anh C. đang không dùng bất kì loại thuốc nào khác.
Quan điểm của dược sĩ
   Anh C. có thể dùng thuốc giảm đau đường uống thường xuyên cho tới khi giảm tình trạng khó chịu. Thuốc giảm đau tại chỗ có thể có ích nếu xoa bóp nhẹ nhàng tại chỗ đau. Vì phần lưng khó với tới, nên chế phẩm dạng phun thích hợp hơn dạng bôi. Bằng chứng cho thấy nghỉ ngơi tại chỗ không làm tăng tốc độ hồi phục, nên anh C. nên tiếp tục các thói quen như bình thường.
Quan điểm của bác sĩ
  Chứng đau lưng dưới của bệnh nhân nên được theo dõi trong vài ngày. Nếu đau tái phát thì anh C. nên đến gặp bác sĩ. Các thông tin chi tiết về vấn đề của bệnh nhân bao gồm cả nghề nghiệp có thể có ích khi đánh giá. Tùy thuộc vào kết quả, anh C. có thể phải nắn xương hoặc thực hiện vật lý trị liệu. Tư thế và cách di chuyển của bệnh nhân có thể chưa đúng điều này làm tăng nguy cơ tái phát bệnh. Nếu như thế, anh C. nên tham gia lớp học về phương pháp Alexander hoặc Feldenkrais.

Ca 2
   Một người đàn ông trung niên đến nhà thuốc. Bệnh nhân đi giày và mặc quần áo thể thao muốn dược sĩ tư vấn về chứng đau lưng. Sau khi hỏi, dược sĩ biết được người đàn ông hỏi thuốc cho vợ mình, ngày hôm qua bà vợ đã làm vườn vì thời tiết tốt, hiện giờ đang bị đau và cứng lưng. Cơn đau ở phần lưng dưới và đau hơn khi di chuyển. Người vợ không dùng thường xuyên bất kì thuốc nào, mới uống hai viên paracetamol vào tối qua để giảm đau.
Quan điểm của dược sĩ
   Trường hợp này dược sĩ rất dễ bị nhầm lẫn người đàn ông là bệnh nhân, hóa ra ông ta hỏi thuốc cho vợ mình. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc xác định đúng bệnh nhân. Mô tả cho thấy: cứng cơ sau khi làm những việc không quen - trong trường hợp này là làm vườn. Dược sĩ nên đề nghị điều trị phối hợp tại chỗ và toàn thân. Nếu đã có đủ paracetamol ở nhà, người phụ nữ có thể tiếp tục sử dụng tối đa 2 viên/1 lần , 4 lần/1 ngày cho đến khi hết đau. Ngoài ra NSAID đường uống hoặc tại chỗ hoặc chế phẩm chứa chất kích thích da bôi hoặc xịt có thể được sử dụng. Người phụ nữ có thể gặp bác sĩ nếu triệu chứng không cải thiện sau 5 ngày.
Quan điểm của bác sĩ
   Ca trên cho thấy đây chỉ là sự căng cơ đơn giản, nên làm theo lời khuyên của dược sĩ trong vài ngày. Nên hỏi thêm trước đây người phụ nữ đã từng bị đau lưng chưa, nếu có thì diễn ra như thế nào. Cũng cần kiểm tra cơn đau có lan tỏa xuống chân không. Nếu có bệnh nhân có thể bị lệch đĩa đệm và cần đi khám bác sĩ.

Ca 3
   Một bệnh nhân nữ thường xuyên đến nhà thuốc, hỏi dược sĩ điều gì tốt nhất cho chứng "đau thấp khớp”, hiện giờ nó đang tệ lên do thời tiết lạnh. Cơn đau ở các khớp, đặc biệt là ngón tay và đầu gối. Khi hỏi thêm, dược sĩ biết được bệnh nhân đã phải chịu đựng trong nhiều năm, thường xuyên gặp bác sĩ vì nhiều vấn đề. Xem lại hồ sơ bệnh nhân, dược sĩ thấy bệnh nhân đang sử dụng 5 loại thuốc một ngày. Các thuốc thường xuyên dùng bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc ngủ, thuốc giảm đau cho chứng viêm khớp (co-dydramol và một NSAID). Đau khớp trở nên tệ hơn khi thời tiết xấu.
Quan điểm của dược sĩ
   Tốt nhất bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ. Cô ấy đã sử dụng một vài loại thuốc, bao gồm thuốc giảm đau cho chứng viêm khớp. Vì vậy sẽ không thích hợp nếu dược sĩ tiếp tục đề nghị một thuốc chống viêm giảm đau vì tương tác hoặc chồng liều. Nên đi gặp bác sĩ vì tình trạng ngày càng tồi tệ hơn. Có thể người phụ nữ không dùng đủ tất cả các thuốc của mình, dược sĩ cần kiểm tra lại sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân trước khi khuyên cô ấy đi gặp bác sĩ.
Quan điểm của bác sĩ
    Đến gặp bác sĩ là hợp lý. Bệnh nhân có thể bị thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc thậm chí các dạng khác của viêm khớp và bác sĩ là người thích hợp nhất trong việc lựa chọn biện pháp điều trị. Bác sĩ sẽ đánh giá về chứng đau khớp. Thoái hóa khớp  thường ảnh hưởng đến khớp cuối của ngón tay, trong khi viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến các khớp nhỏ khác ở ngón tay hay đốt ngón tay. Đầu gối có thể bị ảnh hưởng bởi cả thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp, trong khi đau hông thường là thoái hóa khớp. Một đặc trưng của viêm khớp dạng thấp là cứng khớp vào buổi sáng. Kiểm tra máu và chụp X- quang có thể giúp chẩn đoán. Khám bác sĩ có thể tạo điều kiện để đánh giá lại việc dùng thuốc của bệnh nhân. Cô ấy có thể không dùng thuốc thường xuyên. Sẽ rất có ích nếu biết được bệnh nhân có bị phản ứng bất lợi của thuốc không để điều chỉnh lại điều trị.

Chú thích của người hiệu đính:
* "Chấn thương do vận động lặp đi lặp lại" (RSI) là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả cảm giác đau cơ bắp, thần kinh và dây chằng gây ra bởi chuyển động lặp đi lặp lại lao động quá mức.
Chấn thương này còn được gọi là rối loạn chi trên do công việc, chủ yếu ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể phía trên, chẳng hạn như cẳng tay, khuỷu tay, cổ tay, bàn tay, cổ và vai. Các triệu chứng có thể khác nhau, nhưng thường bao gồm: đau,  cứng khớp, ngứa ran hoặc , chuột rút.
** Kỹ thuật Alexander là kỹ thuật sắp xếp lại tư thế của đầu, cổ, và vai. Được phát triển bởi diễn viên chuyên về kịch Shke Frederick Matthias Alexander (1869-1955), phương pháp các bài tập như nằm, ngồi, đứng và đi bộ. Học viên sẽ được học về nơi thường bị căng thẳng do tư thế. Tranh một số chuyển động, bạn sẽ giảm được đau lưng, sẽ cải thiện sức khỏe tổng quát, và cải thiện sức khỏe tâm thần qua việc tập trung tốt hơn và kiên nhẫn nhiều hơn.
*** Phương pháp Feldenkrais là phương pháp dùng sự vận động để dạy về quá trình tự nhận thức của bản thân và cải thiện chức năng vận động. Phương pháp này tin rằng sự vận động, suy nghĩ, mời nói và cảm xúc sẽ phản ánh quá trình tự nhận thức về bản thân. Phương pháp này được phát triển bởi Moshe Feldenkrais (1904-1984).




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire