mercredi 17 juin 2015

Đào tạo Dược tại Canada


ThS.DS. Võ Thị Hà1, ThS.DS. Trương Viết Thành2, TS.DS. Nguyễn Thị Liên Hương3
1. Giảng viên DLS, ĐH Y Dược Huế
2. Trưởng bộ môn DLS, ĐH Y Dược Huế
3. Trưởng bộ môn DLS, ĐH Dược HN

Hệ thống đào tạo cán bộ y tế Canada có 4 đặc điểm chính: (1) có hệ thống trường công mạnh, nặng về nghiên cứu, không có trường tư; (2) hệ thống y tế công toàn diện, không có bệnh viện tư và rất ít các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân ; (3) hệ thống quản lý cán bộ y tế dựa trên các ban cấp chứng chỉ hành nghề tại địa phương; và (4) các nhóm nghề nghiệp, quản lý và giáo dục tồn tại độc lập nhưng hợp tác chặt chẽ với nhau.

Hệ thống giáo dục                                           
Tại Canada, có sự phân tách quyền lực rõ ràng giữa Chính quyền trung ươngChính quyền vùng. Chính quyền vùng chịu trách nhiệm điều hành chăm sóc y tế tại địa phương và giáo dục đại học trong khi Chính quyền trung ương chịu trách nhiệm thiết lập tiêu chuẩn chăm sóc y tế và cung cấp tài chính. Vì vậy, có sự khác nhau về quy định, yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề và yêu cầu đào tạo khác nhau giữa các vùng.

Canada có 35 triệu dân, có 10 trường dược, tất cả các trường đều là một phần của trường lớn hơn có đào tạo các ngành y tế khác. Tỷ lệ chọi của sinh viên dược rất cao. Trường Dược Toronto năm 2007 có 2.000 thí sinh nhưng chỉ chọn 240 sinh viên. Hàng năm có khoảng 1.400 sinh viên mới.

Chương trình đào tạo
Tất cả các chương trình đào tạo dược của Canada đều được công nhận bởi "Hội đồng chứng nhận chương trình đào tạo dược Canada " (Tên tiếng Anh là Canadian Council for Accreditation of Pharmacy Programs - CCAPP). Hội đồng CCAPP chịu trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn đào tạo. Hội đồng này kiểm tra thường xuyên các chương trình đào tạo dược của các trường dựa theo các tiêu chuẩn đào tạo đã được thống nhất. Tiêu chuẩn đào tạo được xây dựng dựa trên sự hơp tác của các giảng viên, dược sĩ thực hành, nhà quản lý, nhà tuyển dụng. Chứng nhận của CCAPP có giá trị 6 năm.

Tiêu chuẩn của CCAPP cũng được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn đầu ra (outcome) giành cho các chương trình đào tạo dược do "Hiệp hội các trường dược Canada" biên soạn (Tên tiếng Anh là Association of Faculties of Pharmacy of Canada - AFPC) (Bảng 1). Các trường được tự do xây dựng chương trình đào tạo, triết lý giáo dục, phương pháp sư phạm miễn sao đáp ứng được các tiêu chuẩn đầu ra và các năng lực được yêu cầu. 

Bảng 1_Các tiêu chuẩn đầu ra về giáo dục của chương trình đại học về dược tại Canada (do Hội các trường dược Canada biên soạn)
Các tiêu chuẩn đầu ra đặc hiệu
1. Đáp ứng nhu cầu liên quan đến dùng thuốc của bệnh nhân
Sinh viên dược tốt nghiệp, hợp tác với bệnh nhân và các cán bộ y tế khác, sử dụng kiến thức và kĩ năng của mình để đáp ứng nhu cầu liên quan đến thuốc của bệnh nhân, nhằm đạt được kết quả tối ưu cho bệnh nhân và duy trì, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
2. Chịu trách nhiệm về nghề nghiệp-chuyên môn, đạo đức và pháp lý
Sinh viên dược tốt nghiệp sẽ có thể thực hành phù hợp với ác yêu cầu về pháp lý, các tiêu chuẩn thực hành nghề nghiệp-chuyên môn, và đạo đức, hoàn thành các trách nhiệm nghề nghiệp và góp phần phát triển nghề nghiệp.
3. Cung cấp thuốc và thông tin sử dụng thuốc và các khuyến cáo
Sinh viên dược tốt nghiệp cung cấp thông tin và các khuyến cáo cho từng cá nhân hay nhóm cá nhân liên quan đến thuốc và sử dụng thuốc, để bảo đảm chăm sóc bệnh nhân tối ưu và kinh tế - hiệu quả và cải thiện sức khỏe bệnh nhân.
4. Giáo dục về thuốc, sử dụng thuốc và nâng cao sức khỏe
Sinh viên dược tốt nghiệp giáo dục cho các cá nhân hay nhóm cá nhân nhằm thúc đẩy việc sử dụng thuốc hợp lý và nâng cao sức khỏe.
5. Quản lý phân phối thuốc
Sinh viên dược tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân về việc cung ứng chính xác các sản phẩm dược chất lượng bằng cách chịu trách nhiệm đảm nhận chức năng phân phối và pha chế các chế phẩm dược.
6. Hiểu các nguyên tắc quản lý thực hành
Sinh viên dược tốt nghiệp cho thấy sự hiểu biết của mình về các nguyên tắc quản lý với mục đích là tối ưu chăm sóc cho bệnh nhân  và tối ưu sử dụng các nguồn lực.
7. Áp dụng các nguyên tắc điều tra khoa học để góp phần giải quyết các vấn đề của nghề nghiệp/xã hội
Sinh viên dược tốt nghiệp sẽ ứng dụng các nguyên tắc điều tra khoa học để giải quyết các vấn đề thực hành.
Các tiêu chuẩn đầu ra chung
1. Kiến thức và khả năng suy nghĩ
2. Khả năng lên kế hoạch
3. Khả năng giao tiếp
4. Các nguyên tắc đạo đức và giá trị
5. Khả năng tự học theo định hướng của cá nhận
6. Bản sắc/Cá tính nghề nghiệp
7. Tinh thần công dân
 
Các trường có tiêu chuẩn tuyển chọn khác nhau. Chương trình đào tạo tối thiểu 5 năm, và hoàn thành sẽ được cấp bằng cử nhân dược (BSc). Hầu hết các trường có cấu trúc 1+4 tức sinh viên học 1 năm chuẩn bị với các môn hóa, tính toán, sinh học trước khi được chấp nhận vào học dược, trong khi một số trường có cấu trúc 2+4. Nội dung đào tạo của 4 năm sau đó khác nhau giữa các trường. Có trường thì phân thành các nhóm môn học với các môn cơ bản như bào chế, hóa dược, dược lý trong những năm đầu và sau đó là các môn lâm sàng vào năm cuối. Có trường đổi mới hơn thì thiết kế khung chương trình dựa theo vấn đề (problem-based curiculum), trong đó thảo luận nhóm nhỏ nhiều và các môn học được tích hợp với nhau nhiều hơn. Ví dụ, thiết kế theo chủ đề bệnh đái tháo đường: các giảng viên của các môn như sinh lý, bệnh lý, sinh hóa, dược lâm sàng sẽ cùng thảo luận với nhau để thiết kế một khóa học xoay quanh chủ đề này. 

Hành nghề
Cho đến năm 2007, bằng cử nhân dược là bằng có thể cho phép hành nghề, nhưng những năm gần đây 2 trường ở Quebec là trường Montreal và trường Laval đào tạo bằng PharmD (chương trình đào tạo dài hơn và thiên về dạy thực hành lâm sàng nhiều hơn) và xem đây là yêu cầu để có thể hành nghề.

Tuy nhiên, có bằng cử nhân BSc hay PharmD thôi chưa đủ để được cấp chứng chỉ hành nghề. Trong đa số trường hợp, các sinh viên tốt nghiệp phải trải qua các đợt thực tập sau khi tốt nghiệp được tổ chức, điều hành bởi "Hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề của vùng" nhiều hơn là bởi các trường đào tạo tại địa phương. Thời gian thực tập khác nhau tùy vùng, nhưng thường kéo dài 3-4 tháng. Ngoài ra, ứng cử viên còn phải trải qua các kì thi quốc gia và vùng, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề.

Hội đồng kiểm tra dược Canada (tên tiếng Anh là Pharmacy Examining Board of Canada- PEBC, tương tự như NABP của Mỹ) chịu trách nhiệm tổ chức kì thi cấp chứng chỉ hành nghề của dược sĩ cấp quốc gia. Năm 2001, kì thi này gồm có 2 phần: phần I bao gồm câu hỏi nhiều lựa chọn (multiple-choice question) về kiến thức điều trị dựa theo ca lâm sàng, kéo dài 2 ngày. Phần II là kì thi kiểm tra kĩ năng lâm sàng có cấu trúc thiết kế theo mục đích, gồm có 16 trạm. Ứng cử viên phải hoàn thành thành công cả hai kì thi này để có thể tham dự kì thi hành nghề của địa phương.

Giống như ở Mỹ, chứng chỉ hành nghề của các dược sĩ ở Canada cũng không có giá trị toàn quốc. Thay vì thế, mỗi "Hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề vùng" sẽ tổ chức kì thi cấp chứng chỉ hành nghề, nội dung là các quy định hành nghề của địa phương. Một dược sĩ có chứng chỉ hành nghề ở một vùng không tự động có thể hành nghề ở một vùng khác. Nhưng hiện nay đã có nhiều quy định để giúp dược sĩ có thể chuyển đổi hành nghề giữa các địa phương với ít rào cản hơn.

Hiện tại, chỉ có 2 trường dược Canada là trường British Columbia và trường Toronto, có chương trình chuyển đổi từ Bằng cử nhân dược lên PharmD. Ứng cử viên phải có bằng Cử nhân dược và là dược sĩ thực hành tại Canada. Tiêu chuẩn chấp nhất dựa trên điểm, kinh nghiệm, thư giới thiệu, phỏng vấn. Hàng năm có khoảng 6-9 sinh viên theo học và thường tỷ lệ chọi để được chấp nhận rất cao. Chương trình này kéo dài 2 năm, trong đó năm đầu là các khóa học nâng cao, còn năm 2 là các đợt thực tập. Mục đích của chương trình là nhằm đào tạo các dược sĩ có thể hoàn thành các vai trò trong thực hành dược lâm sàng nâng cao tại bệnh viện, chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm đáp ứng được thực hành chăm sóc dược.

Cơ hội nghề nghiệp
Dược sĩ có thể thực hành ở nhiều cơ sở khác nhau từ quầy thuốc đến các các cơ sở y tế. Sự phân bố không đồng đều giữa thành thị - nông thôn vẫn tồn tại.
Khoảng trên 75% các DS tốt nghiệp hành nghề ở quầy thuốc. Nhằm lôi kéo dược sĩ làm việc tại quầy thuốc, nhiều biện pháp hỗ trợ, phần thưởng được đưa ra, đặc biệt nếu DS chịu mở quầy thuốc ở vùng nông thôn. Lương khởi điểm khoảng 100.000USD/năm.

Trong thực hành quầy thuốc, DS thường làm việc cùng cộng sự, người quản lý hoặc chủ quầy thuốc. Quầy thuốc sử dụng công nghệ nhiều (như cơ sở dữ liệu, tra tương tác thuốc bằng máy, tra thông tin thuốc, dữ liệu về bảo hiểm...). Quầy thuốc cũng sử dụng nhiều kỹ thuật dược viên (pharmacy technician). Kỹ thuật dược viên sẽ làm các công việc đơn giản hơn để DS có thời gian tiến hành các nhiệm vụ tư vấn dược. Các nhà thuốc tư nhân độc lập đang giảm dần, thay vào đó là các chuỗi nhà thuốc tư nhân lớn đang phát triển nhanh chóng.

Ở nhiều bệnh viện, khoa dược áp dụng chương trình "kĩ thuật dược viên kiểm tra kĩ thuật dược viên" (tech check tech) để thực hiện các chức năng kĩ thuật như phân phối thuốc, để các dược sĩ có nhiều thời gian hơn đảm nhận các công việc về dược lâm sàng (theo dõi bệnh nhân, làm việc với cán bộ y tế khác). Hiện tại hệ thống y tế của Canada đang thay đổi xu hướng nhằm giảm dần số lượng bệnh nhân nhập viện (cũng như thời gian nằm viện) và tập trung nhiều hơn cho chăm sóc ban đầu, nên công việc của các dược sĩ ở bệnh viện cũng phần lớn là chăm sóc các bệnh nhân vốn ở tại nhà họ và chỉ tới bệnh viện để thực hiện một số các dịch vụ (như dịch vụ "bệnh viện một ngày" (day hospital), phòng khám ngoại trú).

Một xu hướng khác là số lượng các dược sĩ thực hành trong các nhóm chăm sóc sức khỏe giành cho gia đình (family health team) đang tăng lên. Tức đây là nhóm các bác sĩ gia đình hợp tác với nhau, và với dược sĩ, y tá để chăm sóc sức khỏe cho các gia đình đăng kí. Nhiều dược sĩ tham gia nhóm này hầu như không chịu trách nhiệm về phân phối thuốc mà giành thời gian để giáo dục, theo dõi bệnh nhân; tư vấn cho bác sĩ.

Ngoài ra, DS có thể thực hành trong các công ty dược, nghiên cứu, cơ quan của chính phủ và các trường.

Với số lượng bệnh nhân bị bệnh mạn tính đang gia tăng đáng kể, có nhiều chính sách nhằm mở rộng quyền và trách nhiệm của dược sĩ, để làm giảm gánh nặng công việc của bác sĩ và bệnh viện. Theo luật, DS không có quyền kê đơn nhưng một số vùng đã cho phép dược sĩ kê đơn dựa trên protocol đã được thỏa thuận với bác sĩ (ví dụ điều chỉnh liều thuốc huyết áp dựa trên các thông số huyết áp). Hay quy định cho phép dược sĩ gia hạn đơn của bác sĩ đối với một số bệnh mãn tính (Tức sau khi dùng hết thuốc, bệnh nhân có thể mang đơn trở lại gặp dược sĩ để quyết định gia hạn đơn thay vì trở lại gặp bác sĩ). Ở vùng Quebec còn cho phép dược sĩ có quyền thay thế chế phẩm dược tương đương mà không cần sự chấp thuận của bác sĩ. Và dược sĩ được chi trả bởi hệ thống bảo hiểm y tế dựa trên số lượng các ý kiến chuyên môn (pharmaceutical opinion) của mình về dược điều trị của bệnh nhân, bất kể dược sĩ có bán thuốc cho bệnh nhân hay không. Ở Ontario thì dược sĩ được chi trả bởi bảo hiểm theo số dịch vụ Medcheck đã thực hiện. Tức bệnh nhân dùng từ 3 thuốc trở lên có thể hẹn một cuộc hẹn hàng năm kéo dài 30 phút với dược sĩ để được dược sĩ phỏng vấn về tình trạng sức khỏe, tư vấn sử dụng thuốc.

Những thách thức hiện tại và phương hướng trong tương lai về đào tạo dược Canada
Đổi mới của giáo dục và thực hành dược gồm: tăng vai trò của dược sĩ, tăng hợp tác giữa các cán bộ y tế nhằm chăm sóc y tế lấy bệnh nhân làm trọng tâm, và vai trò của kĩ thuật dược viên được tăng cường.
Hiện tại giáo dục dược tại Canada có những vấn đề sau: (1) mở rộng chương trình cử nhân dược, (2) xây dựng các chương trình đào tạo nghề nghiệp liên tục.

Mở rộng chương trình cử nhân dược
Với nhu cầu mở rộng và tăng cường vai trò và trách nhiệm của dược sĩ trong điều trị bệnh cho bệnh nhân, nhiều người quan ngại là chương trình cử nhân dược hiện tại của Canada không đáp ứng được yêu cầu và đề nghị nên thay thế bằng chương trình PharmD. Nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về vấn đề này: làm thế nào thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng những kĩ năng cho dược sĩ và liệu chương trình "doctor of pharmacy" (PharmD) có nên là bằng cấp bắt buộc để thực hành dược.

Đào tạo nghề nghiệp liên tục
Quy định về đào tạo nghề nghiệp liên tục (continuing professional development - CPD) không thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên có một điểm chung là tất các các dược sĩ phải hoàn thành một số giờ quy định về CPD để có thể tiếp tục đăng kí hành nghề cho năm tiếp theo vì dược sĩ đòi hỏi phải duy trì năng lực của mình suốt đời và bằng cử nhân dược hay PharmD chỉ là một chứng nhận bước đầu.
Không chỉ có trường dược mới được tổ chức các khóa học CPD, tuy nhiên các trường ngày càng tham gia thiết kế nhiều khóa học CPD. Đó có thể là những khóa học trực tiếp hay từ xa, được tổ chức độc lập hay phối hợp với trường khác hay tổ chức khác.

Tài liệu tham khảo: Zubin Austin et al. Education of Pharmacists in Canada. American Journal of Pharmaceutical Education 2008; 72 (6) Article 128.

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire