jeudi 30 juin 2016

Nguy cơ và khuyến cáo : Sử dụng NSAID trên bệnh nhân với bệnh lý tim mạch



Nguy cơ và khuyến cáo : Sử dụng NSAID trên bệnh nhân với bệnh lí tim mạch
Người dịch: Phạm Thùy Linh, SV dược 4, chuyên ngành Dược lâm sàng, Đại học Dược Hà Nội
Hiệu đính: DS. Nguyễn Duy Hưng, DS. Võ Thị Hà
Nguồn: Batya Swift Yasgur MA (2015). Risks and Recommendations: The Use of NSAIDs in Patients With Cardiovascular Disease. Link: http://www.empr.com/features/nsaids-patients-with-cardiovascular-disease/article/420769/5/


Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) là nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất ở Hoa Kỳ và cũng là nhóm thuốc được kê đơn rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Một nghiên cứu gần đây cho thấy có 12,8% người Hoa Kì (ước tính khoảng 29,4 triệu người) sử dụng NSAIDs thường xuyên- tăng 41 % so với năm 2005.
                                           

NSAIDs trên bệnh nhân với bệnh lý tim mạch
NSAIDs gây ra rất nhiều tác dụng phụ đáng lo ngại, thường gặp nhất là nguy cơ gây biến chứng tiêu hoá, nguy cơ này tăng từ 2,5 đến 5 lần khi so sánh với nguy cơ ở bệnh nhân không sử dụng NSAIDs.
NSAIDs cũng gây ra nguy cơ gặp bệnh lý tim mạch. Vào năm 2004 và 2005, Cục quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra khuyến cáo rút khỏi thị trường  hai NSAIDs (thuốc ức chế chọn lọc COX 2, rofecoxib và valdecoxib) do chúng gây gia tăng các biến cố tim mạch. Bệnh nhân đang mắc các bệnh lý tim mạch sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng tim mạch nếu sử dụng NSAIDs.  Một bài báo mới đây đã đánh giá tính an toàn của NSAIDs nói chung, và nói riêng trên nhóm bệnh nhân này.

Cơ chế tác dụng của NSAIDs
Có một số cơ chế dẫn đến việc NSAIDs làm gia tăng nguy cơ tim mạch, bao gồm sự thay thế trong cân bằng của thromboxane và prostacylin, sự giảm tác dụng của thuốc tim mạch (như aspirin và sự ức chế hệ renin- angiotensin- aldosterone), tăng giữ natri và nước. Nói một cách cụ thể, chất ức chế COX-2 ức chế tác dụng có lợi liên quan đến sự giãn cơ và ức chế tiểu cầu của prostagladin nội sinh.

NSAIDs và bệnh lý mạch vành
Bệnh động mạch vành: Các bằng chứng chỉ ra rằng NSAIDs làm gia tăng nguy cơ các biến cố tim mạch nghiêm trọng chính (MACEs) ở bệnh nhân mắc/không mắc các bệnh lý động mạch vành. Ví dụ, phân tích dữ liệu từ sổ khám của 58.000 bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim chỉ ra rằng sử dụng bất kì NSAIDs nào có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ tử vong và tái mắc nhồi máu cơ tim. Thêm vào đó, việc sử dụng ngắn ngày NSAIDs không làm giảm nguy cơ này trên các bệnh nhân đã có các bệnh lý động mạch vành.
Đột quỵ: Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng có sự gia tăng nguy cơ đột quỵ trên bệnh nhân mắc bệnh mạch máu não. Các NSAID mặc dù gây ra cả nguy cơ đột quỵ chảy máu não cũng như đột quỵ nhồi máu não, thường có khả năng gây đột quỵ nhồi máu não cao hơn. NSAIDs cũng giảm tác dụng của thuốc lợi tiểu và làm tăng nguy cơ suy thận khi sử dụng phối hợp với nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin.

Tăng huyết áp:  Việc sử dụng NSAIDs cũng làm tăng huyết áp trên cả nhóm bệnh nhân huyết áp bình thường cũng như nhóm có huyết áp cao, bao gồm cả những bệnh nhân vốn được kiểm soát huyết áp tốt từ trước. Tuổi cao và có tiền sử tăng huyết áp làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp do NSAIDs.  Sự tăng huyêt áp có vẻ không liên quan đến liều cũng như thời gian dùng thuốc.

Tương tác giữa NSAIDs và aspirin:  NSAIDs có thể gây các tác dụng có hại trên bệnh nhân mắc bệnh mạch vành bằng việc làm giảm tác dụng kháng tiểu cầu thông qua con đường gây trở ngại lập thể tại vị trí gắn của aspirin trên COX-1 tiểu cầu. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra tương tác bất lợi của NSAIDs và aspirin trong việc gia tăng tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do tim mạch, so sánh với việc sử dụng riêng biệt aspirin. Tuy nhiên, thời gian sử dụng NSAID và aspirin có thể có tác động đáng kể đến nguy cơ này. Ví dụ, khi được sử dụng trước aspirin 2 giờ, ibuprofen dường như làm giảm tác dụng kháng tiểu cầu của aspirin, trong khi các tác dụng này có thể được bảo toàn nếu ta sử dụng aspirin trước khi sử dụng ibuprofen. Naproxen được xem là có tương tác với aspirin khi sử dụng một lần/ngày, chứ không phải là hai lần/ngày.

Suy tim: NSAIDs làm tăng gần mười lần nguy cơ mất bù trên bệnh nhân suy tim và hai lần nguy cơ nhập viện do suy tim. Nguy cơ này được xem là cao hơn với các thuốc ức chế COX-2 (trừ celecoxib), so với các NSAIDs không chọn lọc.

Rung nhĩ: Nguy cơ rung nhĩ khi dùng NSAIDs là cao nhất trên những người hiện đang sử dụng, cũng như những người sử dụng NSAIDs trong vòng 30 – 60 ngày trước khi được chẩn đoán rung nhĩ, đặc biệt trên nhóm người cao tuổi hoặc có tiền sử rung nhĩ. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa các NSAIDs, liều dùng, hoặc thời gian điều trị vẫn còn chưa được sáng tỏ.

BIẾN CHỨNG XUẤT HUYẾT
NSAIDs có thể là nguyên nhân, cũng có thể là yếu tố góp phần gây xuất huyết trên bệnh nhân có các bệnh lý mạch vành. Nguy cơ gia tăng trên bệnh nhân sử dụng NSAID đơn độc hoặc sử dụng kèm theo thuốc kháng tiểu cầu và/hoặc liệu pháp chống đông, như là thuốc đối kháng vitamin K, cũng như các thuốc chống đông đường uống có đích tác dụng chọn lọc.

Sử dụng NSAIDs đơn độc có thể gia tăng từ hai đến bốn lần nguy cơ xuất hiện biến chứng đường tiêu hóa trên. Các yếu tố nguy cơ độc lập bao gồm tuổi, sử dụng đồ uống có cồn, thuốc chống đông, aspirin, xơ gan, corticosteroid, nam giới, mới/đang sử dụng NSAIDs, có tiền sử u đầu tụy và hút thuốc. Liều thấp ibuprofen có liên quan đến tỷ lệ xuất huyết đường tiêu hóa dưới thấp nhất.

Sử dụng NSAID cho các bệnh mắc kèm bệnh mạch vành mãn tính
Với tác dụng chống viêm và giảm đau, NSAID được sử dụng rộng rãi trong điều trị đau cũng như tình trạng thấp khớp, bao gồm giảm đau trong các ca phẫu thuật tim mạch cũng như không phải tim mạch, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp xương, viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên, việc sử dụng NSAIDs với thời gian ngắn cho các trường hợp trên vẫn tăng nguy cơ trên bệnh nhân đang mắc các bệnh lý mạch vành.

Khuyến cáo
Khuyến cáo về việc sử dụng NSAIDs trên bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành xem ở bảng bên dưới (Bảng 1).

Bảng 1. Khuyến cáo về việc sử dụng NSAID trên bệnh nhân với các bênh lý tim mạch
Bệnh lý
Khuyến cáo

Bệnh động mạch vành
·         Tránh sử dụng NSAID do sự gia tăng các biến cố tim mạch chính, kể cả khi sử dụng trong thời gian ngắn.
·         Nếu bắt buốc phải sử dụng, cần giáo dục bệnh nhân về nguy cơ.
·         Ưu tiên sử dụng NSAIDs không chọn lọc.
·         Chỉ sử dụng ibuprofen nếu cần thiết ở bệnh nhân sử dụng aspirin để phòng ngừa thứ cấp.
·         Sử dụng ibuprofen ít nhất 30 phút sau khi dùng aspirin dạng giải phóng ngay hoặc hơn 8 tiếng trước khi sử dụng aspirin.
Suy tim
·         Tránh sử dụng các NSAID nếu có thể
·         Celecoxib có thể an toàn hơn.
·         Liều thấp aspirin có thể an toàn khi được chỉ định (ví dụ, chỉ định khi có tiền sử nhồi máu cơ)
·         Giáo dục bệnh nhân sử dụng NSAIDs không kê đơn dùng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất có thể và cần tham khảo ý kiến bác sỹ ngay nếu cân nặng thay đổi rõ rệt để giảm nguy cơ suy tim mất bù.
Tăng huyết áp
·         Bệnh nhân có nguy cơ tăng huyết áp tiến triển nên được theo dõi huyết áp khi dùng NSAIDs, mặc dù việc sử dụng thuốc khi cần có vẻ chấp nhận được.
·         NSAID nên được đánh giá cùng với những thay đổi lối sống khác.
·         Nếu bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, nên tránh sử dụng NSAIDs.
·         Ở bệnh nhân tăng huyết áp sử dụng NSAIDs, có thể cần phải hiệu chỉnh liều thuốc điều trị tăng huyết áp và theo dõi bệnh nhân chặt chẽ hơn.
Rung nhĩ
·         Thiếu bằng chứng để đưa ra khuyến cáo
·         Sử dụng thận trọng trên nhóm bệnh nhân nguy cơ cao
Xuất huyết đường tiêu hóa trên
·         Bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa trên nên tránh dùng NSAIDs.
·         NSAIDs không kê đơn nên được sử dụng với liều thấp nhất và thời gian ngắn nhất.
·         Ibuprofen, celecoxib và diclofenac có vẻ có nguy cơ thấp hơn các NSAIDs khác.
·         Xem xét dùng thêm các thuốc bảo vệ dạ dày (thuốc kháng histamin H2, hoặc thuốc ức chế bơm proton)
Phẫu thuật không liên quan đến tim mạch
·         Sử dụng liệu pháp giảm đau đa phương thức cá thể hóa với từng bệnh nhân.
·         Nếu cần thiết, sử dụng thuốc khóa thần kinh giao cảm kèm thuốc gây mê tại chỗ, chất điều biến thần kinh và paracetamol.
·         Sử dụng liệu pháp không dùng thuốc (thư giãn, hình ảnh liệu pháp [imagery], châm cứu).
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
·         FDA khuyến cáo không sử dụng NSAIDs trong trường hợp này.
·         Sử dụng ngắn hạn NSAIDs không chọn lọc (như naproxen, ketorolac) có thể an toàn trên một số bệnh nhân.
Viêm khớp dạng thấp
·         Sử dụng thận trọng
·         Xem xét dùng thêm paracetamol, chất điều biến thần kinh hoặc opioid tác dụng yếu (như tramadol hay codein) nếu cần.
Viêm khớp xương
·         Xem xét dùng liệu pháp không dùng thuốc (vật lý trị liệu, giảm cân) ở tất cả các bệnh nhân.
·         Sử dụng NSAIDs dùng ngoài da, paracetamol, tramadol, tiêm động mạch corticosteroid

Viêm màng ngoài tim không nhồi máu cơ tim
·         NSAID là lựa chọn đầu tay.
·         Ưu tiên sử dụng ibuprofen trong vài tuần, cùng với thuốc bảo vệ đường tiêu hóa.
·         Có thể xem xét sử dụng aspirin, colchicin và/ hoặc corticosteroid.
Viêm màng ngoài tim và nhồi máu cơ tim
·         Sử dụng aspirin là liệu pháp khởi đầu.
·         Xem xét sử dụng paracetamol, colchicin, và/ hoặc thuốc giảm đau gây nghiện nếu không đỡ.
·         NSAIDs và glucocorticoid có thể hữu dụng trong các trường hợp có xuất hiện nhồi máu cơ tim.

Kết luận:
Theo quan điểm tác giả : “Với nhóm dân số già, kèm theo sự gia tăng khả năng mắc bệnh viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, cũng như các tình trạng khác mà NSAIDs có thể làm giảm các triệu chứng của chúng, cần cân nhắc kĩ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ trên từng cá thể trước khi quyết định điều trị bằng NSAIDs”. Tác giả cũng để cập rằng bệnh nhân “cũng nên được khuyến khích báo cáo về việc sử dụng NSAID không kê đơn trước đó” và rằng bệnh nhân nên được “giáo dục về nguy cơ khi tiếp tục sử dụng NSAIDs”.

Tài liệu tham khảo
1.      Arroyo M, Lanas A. NSAIDs-induced gastrointestinal damage. Review. Minerva Gastroenterol Dietol. 2006;52(3):249-259.
2.      Zhou Y, Boudreau DM, Freedman AN. Trends in the use of aspirin and nonsteroidal anti-inflammatory drugs in the general U.S. population. Pharmacoepidemiol Drug Saf. 2014;23(1):43-50.
3.      Danelich IM, Wright SS, Lose JM, et al. Safety of nonsteroidal antiinflammatory drugs in patients with cardiovascular disease. Pharmacotherapy. 2015;35(5):520-535.
4.      Ricciotti E, FitzGerald GA. Prostaglandins and Inflammation. Arter Thromb Vasc Biol. 2011;31(5):986-1000.
5.      Gislason GH, Jacobsen S, Rasmussen JN, et al. Risk of death or reinfarction associated with the use of selective cyclooxygenase-2 inhibitors and nonselective nonsteroidal antiinflammatory drugs after acute myocardial infarction. Circulation.2006;113(25):2906-2913.
6.      Schjerning Olsen AM, Fosbøl EL, Lindhardsen J, et al. Duration of treatment with nonsteroidal anti-inflammatory drugs and impact on risk of death and recurrent myocardial infarction in patients with prior myocardial infarction: a nationwide cohort study. Circulation. 2011;123(20):2226-2235.
7.      Barthélémy O, Limbourg T, Collet JP, et al. Impact of non-steroidal anti-inflammatory drugs (NSAIDs) on cardiovascular outcomes in patients with stable atherothrombosis or multiple risk factors. Int J Cardiol. 2013;163(3):266-271.
8.      Haag MD, Bos MJ, Hofman A, et al. Cyclooxygenase selectivity of nonsteroidal anti-inflammatory drugs and risk of stroke. Arch Intern Med. 2008;168(11):1219-1224.
9.      Caughey GE, Roughead EE, Pratt N. Stroke risk and NSAIDs: an Australian population-based study. Med J Aust. 2011;195(9):525-529.
10.  TM, Wei L. Effect of ibuprofen on cardioprotective effect of aspirin.Lancet. 2003;361(9357):573-574.
11.  Kurth T, Glynn RJ, Walker AM, et al. Inhibition of clinical benefits of aspirin on first myocardial infarction by nonsteroidal antiinflammatory drugs. Circulation. 2003;108(10):1191-1195.
12.  Catella-Lawson F, Reilly MP, Kapoor SC, et al. Cyclooxygenase inhibitors and the antiplatelet effects of aspirin. N Engl J Med. 2001;345(25):1809-1817.
13.  Capone ML, Sciulli MG, Tacconelli S, et al. Pharmacodynamic interaction of naproxen with low-dose aspirin in healthy subjects. J Am Coll Cardiol. 2005;45(8):1295-1301.
14.  Feenstra J, Heerdink ER, Grobbee DE, Stricker BH. Association of nonsteroidal  anti-inflammatory drugs with first occurrence of heart failure and with relapsing heart failure: the Rotterdam Study. Arch Intern Med. 2002;162(3):265-270.
15.  Page J, Henry D. Consumption of NSAIDs and the development of congestive heart failure in elderly patients: an underrecognized public health problem. Arch Intern Med. 2000;160(6):777-784.
16.  Coxib and traditional NSAID Trialists' (CNT) Collaboration, Bhala N, Emberson J, et al. Vascular and upper gastrointestinal effects of non-steroidal anti-inflammatory drugs: meta-analyses of individual participant data from randomised trials. Lancet. 2013;382(9894):769-779.


1 commentaire:

  1. Thuốc giúp thông lòng mạch máu, giảm tác nghẽn mạch máu của Lương y Nguyễn Quý Thanh giúp nhiều bệnh nhân khỏi bệnh sau khi bị đột quỵ tim. Chi tiết: www.ancungtruchoan.com.vn

    RépondreSupprimer