Ca lâm sàng: ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG DRESS KHI DÙNG
SULFASALAZINE BẰNG NHÓM CORTICOSTEROID VÀ N – ACETYLCYSTEINE
1.
Tóm tắt
Hội chứng Phát ban do thuốc với tăng bạch cầu ưa acid và những
triệu chứng toàn thân (tên tiếng Anh
là Drug rash with eosinophilia and systemic symptoms-DRESS) rất hiếm gặp, là một
dạng dị ứng thuốc nghiêm trọng biểu hiện với các triệu chứng như sốt, phát ban,
bất thường về huyết học và bệnh hệ thống. Sinh bệnh học của hội chứng này vẫn
chưa được biết rõ, nhưng người ta cho rằng những thuốc dễ gây quá mẫn dẫn tới
phản ứng dị ứng qua trung gian miễn dịch do các khiếm khuyết trong quá trình
chuyển hóa gây nên. Những trường hợp DRESS nghiêm trọng đòi hỏi phải điều trị
tích cực nhưng hiện tại lựa chọn điều trị bằng thuốc vẫn còn hạn chế. Một trường
hợp được báo cáo ở một phụ nữ 66 tuổi có các biểu hiện sốt, phát ban 3 tuần sau
khi dùng sulfasalazine trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Qua xét nghiệm
thăm khám cho thấy có sự lan tràn hạch bạch huyết, tăng bạch cầu và bạch cầu ái
toan và viêm gan. Bệnh nhân được chẩn đoán bị hội chứng DRESS, việc dùng
sulfasalazine được ngừng lại và thay vào đó người bệnh được điều trị với
methylprednisolone. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi và tiến
triển thành suy gan cấp nặng buộc phải đánh giá tới việc nhanh chóng ghép gan
nhanh. Việc điều trị bằng nhóm steroid phải dùng tới prednisolone liều cao và N
– Acetylcystein (NAC) được chỉ định nhằm cải thiện nhanh chóng tình trạng và chức
năng gan của bệnh nhân. Trường hợp trên cho thấy lần đầu tiên sử dụng thành
công, an toàn nhóm thuốc steroid và NAC để điều trị hội chứng DRESS gây ra bởi
sulfasalazine. Vì vậy, với khả năng mắc phải và tử vong do hội chứng DRESS cao đòi
hỏi cần có phương pháp điều trị thay thế có hiệu quả là rất cần thiết. Qua đó
cho thấy NAC có thể trở thành thuốc phối hợp an toàn với nhóm corticosteroid
trong điều trị hội chứng DRESS gây ra bởi sulfasalazine.
2. Giới thiệu
Các phản ứng
có hại của thuốc là một vấn đề sức khỏe quan trọng xảy ra ở khoảng 7% dân số
nói chung. Phần lớn các phản ứng nghiêm trọng do thuốc liên quan đến tính chất
dược lý có thể dự đoán được và xảy ra ở bất kỳ bệnh nhân nào. Tuy nhiên có một
nhóm phản ứng thuốc gọi là phản ứng quá mẫn thì thường ít phổ biến hơn, biểu hiện
đặc trưng và không dự đoán được. Các phản ứng qua trung gian miễn dịch này xảy
ra khi cá nhân tiếp xúc với thuốc có khả năng gây phản ứng. Theo các báo cáo
khác nhau, nhiều loại thuốc được chỉ định phổ biến hiện nay có liên quan đến phản
ứng dị ứng từ phát ban da nhẹ đến bệnh hệ thống nặng, trong đó phát ban kèm
theo tăng bạch cầu ái toan và bệnh hệ thống (DRESS) là hội chứng quá mẫn gây ra
bởi thuốc rất nghiêm trọng. Bocquet và cộng sự ban đầu cho rằng hội chứng DRESS
đặc trưng bởi sốt, phát ban tổn thương ở da, các bất thường về huyết học, bệnh
hệ thống bao gồm sưng hạch và tổn thương các cơ quan. Hội chứng này đặc biệt xảy
ra và tiến triển trong lần đầu tiên tiếp xúc với thuốc và trong vòng 8 tuần kể
từ khi bắt đầu dùng thuốc. Tỷ lệ mắc DRESS là từ 1:1000 đến 1:10000 tùy thuộc
vào loại thuốc bệnh nhân dùng, bao gồm nhóm sulfonamide và thuốc chống co giật có
nhân thơm như phenytoin, phenobarbital và carbamazepine là những thuốc thông
thường có liên quan đến hội chứng DRESS, bên cạnh đó có rất nhiều thuốc tuy ít
được báo cáo nhưng lại có khả năng gây hội chứng này như lamotrigine, allopurinol,
nhóm NSAID và thuốc kháng virus. Bài báo cáo này đề cập đến trường hợp gây hội
chứng DRESS nghiêm trọng của sulfasalazine dẫn tới suy gan cấp và đã được điều
trị thành công bằng methylprednisolone và NAC.
3. Ca lâm sàng
Một người
phụ nữ, 66 tuổi, bị viêm khớp dạng thấp với triệu chứng sốt, phát ban và đau bụng.
Ba tuần trước, bệnh nhân được chẩn đoán sớm viêm khớp dạng thấp ở mức trung
bình. Bà bị viêm màng hoạt dịch không có biến dạng ở khớp hay ngoài khớp đáng kể
và dương tính với kháng thể đối kháng protein chuyển hóa thành citrulline
(Arginine được khử hóa nhóm imine (=NH) tạo thành citrulline). Lúc đó, bà được
chỉ định dùng sulfasalazine (1g x 2 lần / ngày). Hai tuần sau khi bắt đầu dùng
sulfasalazine, bà bị nổi ban trên mặt rồi lan ra khắp người, ở bụng và tứ chi.
Sau đó, bà cảm thấy mệt mỏi, sốt, buồn nôn, nôn và đau bụng. Các triệu chứng
này tiến triển khiến bệnh nhân phải vào khoa cấp cứu.
Bệnh sử trước
đây của bệnh nhân đáng chú ý với bệnh mạch vành, tăng huyết áp và tăng lipid
máu. Các thuốc đã được chỉ định bao gồm: atenolol, lovastatin, aspirin, và
celebrex (celecoxib – nhóm NSAID) để giảm đau. Bà có tiền sử bị phù mạch khi
dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển nhưng không có báo cáo các dị ứng thuốc khác.
Lối sống sinh hoạt không có gì đặc biệt ngoại trừ đã từng hút thuốc, không uống
rượu hay dùng chất gây nghiện.
Khi nhập viện,
huyết áp đo được là 113/60 mmHg, nhịp tim 98 lần/phút và thân nhiệt 37.50C.
Thăm khám cho thấy vàng mắt và phát ban dạng sởi không cố định trên người và
chi dưới, trừ lòng bàn chân. Bệnh nhân có triệu chứng bụng mềm không tự hồi phục
ở góc phần tư phía trên bên phải ổ bụng. Xét nghiệm cho thấy có tăng bạch cầu WBC:
13.800 /µL trong đó 7% bạch cầu ái toan, AST: 99 U/L, ALT: 93 U/L, alkaline
phosphatase: 414 U/L và bilirubin 4.0 mg/dL (bảng 1).
Sulfasalazine
tạm ngừng chỉ định và bà được điều trị theo kinh nghiệm bằng pipercillin-tazobactam cho thể viêm túi mật.
Siêu âm bụng thấy thành túi mật dày nhưng không có sỏi, hình ảnh chụp bằng kỹ
thuật HIDA (hepatobiliary immunodiacetic acid) cho thấy ống dẫn mật bị xơ hóa
rõ ràng. Xét nghiệm virus viêm gan và kháng thể IgM của Epstein Barr âm tính.
MRI bụng ghi nhận tình trạng viêm gan cấp nghiêm trọng với các tế bào gan bị
nhiễm mỡ mạn tính. Hình ảnh CT cho thấy xuất hiện hạch lan tỏa ở nách, trung thất,
bụng và khung chậu. Khi sinh thiết hạch bạch huyết ở nách cho thấy có sự tăng
lympho lành tính. Sinh thiết tủy xương thấy tăng sinh tế bào tủy với 20% là bạch
cầu ái toan nhưng không ác tính.
Vào ngày thứ 7 trong bệnh viện, bà vẫn tiếp tục sốt 38.20C và số lượng bạch cầu WBC tăng tới 51.800/µL với 21% là bạch cầu ái toan. Sinh thiết gan ghi nhận thể viêm gan hoạt động cho thấy tình trạng thâm nhiễm tế bào lympho trong trường hợp nhiễm mỡ trung bình giống với bệnh cảnh do gan bị nhiễm độc. Theo các biểu hiện lâm sàng và khoảng thời gian khi chỉ định dùng sulfasalazine, bệnh nhân được chẩn đoán bị hội chứng DRESS. Chỉ định kháng sinh được dừng lại và bà bắt đầu điều trị bằng methyprednisolone (20mg IV mỗi 8h) vào ngày thứ 9. Tuy nhiên, tình trạng bà vẫn tiếp tục xấu đi với sốt dai dẳng lên 39.20C và lú lẫn. Vào ngày thứ 11 tại bệnh viện, bệnh nhân bắt đầu tiến triển sang rối loạn đông máu, bệnh não do gan và suy gan nặng hơn, AST: 1575 U/L, bilirubin: 10.2 mg/dL, INR: 3.2 và ammonia: 90 µmol/L. Bà được chuyển đến trung tâm chuyên khoa hơn để đánh giá việc ghép gan. Methyprednisolone liều cao (125mg IV mỗi 8h) và NAC (150 mg/kg trong 1 h sau khi truyền 12mg/kg/h) được chỉ định. Và may mắn với cách điều trị này tình trạng của bệnh nhân như bệnh não do gan, tăng men gan, INR, tăng bạch cầu – bạch cầu ái toan được cải thiện. Bệnh nhân đáp ứng tốt điều trị bằng nhóm thuốc steroid và NAC mà không có biến chứng nào. Vào ngày thứ 14 tại bệnh viện thì methylprednisolone được giảm liều dần và ngày thứ 15 thì bà được ngưng điều trị bằng NAC. Vào ngày thứ 17 bà được xuất viện và vẫn tiếp tục điều trị bằng prednisone (20mg/ngày) trong 6 tuần. Thể trạng bệnh nhân tiếp tục cải thiện và 6 tuần sau khi xuất viện xét nghiệm men gan của bệnh nhân đã trở về bình thường.
4. Bàn luận
DRESS là hội
chứng quá mẫn muộn với biểu hiện sốt, phát ban, bất thường huyết học và bệnh hệ thống, trong đó sốt và nổi ban ở da
là những dấu hiệu lâm sàng đặc trưng ban đầu xuất hiện trong hội chứng DRESS.
Phát ban đầu tiên xuất hiện trên khuôn mặt, lan ra khắp người và sau đó lan xuống
2 chân, bên cạnh đó phát ban có thể phát triển thành mụn nước và thường kèm
theo phù mặt.
Các bất thường
về huyết học rất phổ biến thường là có sự tăng đáng kể bạch cầu ái toan, tăng
lympho không điển hình và nhất là bệnh ở hệ thống bạch huyết. Bệnh hệ thống thường
gặp nhất là liên quan đến gan, nhưng cũng có nhiều báo cáo cho thấy bệnh còn gặp
ở một số cơ quan khác như: phổi, viêm thận kẽ, viêm màng ngoài tim và viêm tuyến
giáp. Đa số trường hợp trong hội chứng DRESS thường xuất hiện viêm gan với
transaminase tăng cao, tuy nhiên trong trường hợp dị ứng nặng thì suy gan cấp
tính có thể xảy ra dẫn tới tỷ lệ tử vong là khoảng 10%.
Có rất nhiều
trường hợp sulfasalazine gây nên hội chứng DRESS đã được báo cáo, như trong ca
lâm sàng trên sốt và phát ban bắt đầu xuất hiện vài tuần sau khi chỉ định
sulfasalazine là dấu hiệu của hội chứng này. Sự tăng bạch cầu, bạch cầu ái toan
và bệnh bạch huyết thường được đề cập tới mặc dù trong ca trên chỉ có tăng bạch
cầu là đáng kể. Trong các trường hợp sulfasalazine gây hội chứng DRESS, viêm
gan từ nhẹ với transaminase tăng cho tới suy gan cấp đòi hỏi phải điều trị cấp
cứu. Trường hợp trên thì những bất thường liên quan tới gan bao gồm rối loạn
đông máu, bệnh não do gan, suy gan cấp phải tính đến việc ghép gan. Chúng tôi
còn ghi nhận được thêm 4 trường hợp suy gan tối cấp do hội chứng DRESS mà
sulfasalazine gây ra cần phải được ghép gan, trong đó có 2 trường hợp chức năng
gan của bệnh nhân được phục hồi trước khi ghép, 1 trường hợp phục hồi sau khi
ghép và một trường hợp tử vong sau khi ghép gan do DRESS tái phát. Tỷ lệ và mức
độ nghiêm trọng trong những bệnh liên quan đến gan do DRESS có thế phản ánh vai
trò các tế bào gan trong quá trình chuyển hóa những thuốc gây dị ứng quá mẫn.
Tuy nhiên sinh bệnh học của hội chứng này vẫn chưa được biết rõ, nhưng người ta
cho rằng tác động của thuốc dẫn tới phản ứng dị ứng qua trung gian miễn dịch do
các khiếm khuyết trong quá trình chuyển hóa gây nên. Những rối loạn trong trao
đổi chất dẫn tới tích tụ các chất chuyển hóa độc hại gây độc trực tiếp hay gián
tiếp tế bào thông qua đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào T. Bên cạnh đó, yếu
tố di truyền cũng được đề nghị là có khả năng tăng nguy cơ mắc hội chứng DRESS ở
những bệnh nhân có sự acetyl hóa thuốc chậm. Ngoài ra sự giảm glutathione – chất
chống oxy hóa trong tế bào có thế che giấu khả năng tăng nhạy cảm ở những bệnh
nhân HIV với hội chứng DRESS. Gần đây người ta cũng thấy rằng những người nhiễm
virus herpes cũng có liên quan đến sự tiến triển của DRESS vì HHV6 tăng lên ở
những bệnh nhân này.
Thêm vào
đó, sử dụng đồng thời nhiều thuốc cũng có khả năng gây ra hội chứng DRESS. Trong
5 trường hợp sulfasalazine gây dị ứng, hội chứng này bắt đầu xuất hiện ngay sau
khi dùng các kháng sinh như amoxicillin, amoxicillin-clavulanate,
ampicillin-sulbactam, and nalidixic acid. Việc amoxicillin gây ra các tổn
thương ở da trong hội chứng DRESS cũng đã được ghi nhận ở những bệnh nhân có
dùng amoxicillin trong thời gian bắt đầu xuất hiện triệu chứng của DRESS.
Amoxicillin có thể gây ban đỏ ở da bằng cách tác động lên sự sao chép nhân lên
của HHV6. Trong 5 ca DRESS khác do sulfasalazine gây ra, bệnh nhân cũng đang được
chỉ định với nhóm NSAID. Phản ứng quá mẫn do NSAID đã được biết đến và việc
dùng đồng thời các thuốc thuộc nhóm này có thể dẫn tới tiến triển và làm nặng
thêm hội chứng DRESS. Tuy nhiên vai trò chính xác khi dùng chung các thuốc liên
quan tới sinh bệnh học hội chứng DRESS vẫn chưa được biết rõ và cần nhiều
nghiên cứu hơn nữa.
Trong ca
lâm sàng trên, celecoxib – chất ức chế chọn lọc COX2 được chỉ định để điều trị
viêm khớp dạng thấp, tuy không phải là nguyên nhân điển hình gây DRESS nhưng có
một báo cáo về khả năng gây hội chứng DRESS khi phối hợp celecoxib chung với
ethambutol và có thể việc dùng đồng thời celecoxib là nguyên nhân dẫn tới tình
trạng dị ứng nghiêm trọng ở bệnh nhân nói trên.
Một nguyên nhân khác có thể gây
DRESS nặng đó là chỉ định sulfasalazine liều cao ngay từ ban đầu. Nghiên cứu
cho rằng khi dùng liều thấp và tăng dần sẽ giảm tỷ lệ phản ứng quá mẫn do
lamotrigine gây ra. Dùng liều duy trì có thể thúc đẩy sự dung nạp thuốc tốt do cơ
thể đủ thời gian để hình thành những cơ chế thích hợp chống lại các chất chuyển
hóa gây phản ứng quá mẫn. Qua đó những thuốc dễ gây mẫn cảm cũng như dùng phối
hợp nhiều thuốc có thể đóng vai trò quan trọng trong sinh bệnh học của hội chứng
DRESS nghiêm trọng mà sulfasalazine gây nên.
Việc
chẩn đoán DRESS chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và những thuốc có khả
năng gây hội chứng trên. Ở mô thì sự thâm nhiễm lympho không đặc hiệu lắm. Do
đó việc chẩn đoán phân biệt hội chứng DRESS rất khó, kể cả các triệu chứng phát
ban da do thuốc, nhiễm trùng hay u lympho. Kết quả là những người mắc phải
DRESS được đánh giá và thường điều trị các bệnh dị ứng thông thường khác trước
khi được chẩn đoán xác định mắc hội chứng này. Như trong trường hợp trên bệnh
nhân được chẩn đoán viêm túi mật, ống dẫn mật và u lympho trước khi thực hiện
các chẩn đoán của hội chứng DRESS.
Xác định mắc hội chứng DRESS kịp thời
rất quan trọng bởi vì nó ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị đồng
thời ngưng sử dụng các thuốc gây hội chứng trên. Quá trình hồi phục thường chậm
và bệnh có thể tái phát. Điều trị bằng thuốc cho hội chứng DRESS nặng vẫn còn hạn
chế. Với khả năng ức chế miễn dịch mạnh, điều trị bằng nhóm corticosteroid toàn
thân được đề xuất trong bệnh hệ thống nghiêm trọng. Nhóm corticosteroid nhanh
chóng cải thiện tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cũng như các bất thường của cận
lâm sàng trong hội chứng DRESS. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều tranh cãi về phương
pháp điều trị bằng nhóm steroid này do steroid có thể làm tăng nguy cơ biến chứng
nhiễm trùng, thúc đẩy hoạt hóa virus hay gây phụ thuốc thuốc trong điều trị
DRESS. Như đã nêu, vẫn chưa có thử nghiệm ngẫu nhiên nào cho việc dùng
corticosteroid để điều trị hội chứng DRESS.
Điều trị
DRESS gây bởi sulfasalazine bằng cách ngừng thuốc gây dị ứng đã được báo cáo
trong 2 ca lâm sàng với thời gian hồi phục từ vài tuần tới vài tháng. Ngưng
dùng thuốc kết hợp lọc máu albumin cũng có báo cáo ở một ca nghiêm trọng khi
sulfasalazine gây hội chứng DRESS. Điều trị bằng nhóm corticosteroid đã được
ghi nhận lại trong các trường hợp nặng, loại steroid, đường dùng, liều lượng và
thời gian điều trị cũng khác nhau, cả 2 loại steroid đường uống và tiêm đã được
sử dụng và điều trị thành công trong khoảng thời gian khác nhau, từ vài tuần đến
vài tháng. Nhiều ca dùng steroid đường tiêm trong thời gian ngắn sau đó duy trì
bằng steroid đường uống nhưng cũng có nhiều trường hợp được báo cáo rằng từ
dùng steroid đường uống phải chuyển qua dạng tiêm vì bệnh nhân kém đáp ứng với
thuốc. Bên cạnh đó, còn có trường hợp tình trạng bệnh nhân xấu đi sau khi uống
hay hoàn tất liệu pháp điều trị với steroid cụ thể đã có báo cáo về 1 người phụ
nữ 77 tuổi tiến triển sang viêm thận kẽ cấp tính sau 20 ngày dùng prednisone.
NAC được đề
nghị là thuốc có thể điều trị hội chứng DRESS. Được biết đến là chất giải độc
acetaminophen nên có nhiều khả năng NAC có thể dùng trong chữa trị DRESS. NAC
cung cấp nhiều glutathion dạng dự trữ, một chất chống oxy hóa có vai trò trong
khử độc nhiều thuốc. Ngoài ra, NAC còn điều biến sự sản xuất các cytokine và sự
biểu hiện của các phân tử kết dính gian bào trong tế bào keratin. Theo báo cáo
thì NAC đã điều trị thành công những cơn co giật gây ra bởi DRESS.
Cụ thể có
thể thấy trong trường hợp trên, NAC có khả năng đóng vai trò chữa trị DRESS gây
ra bởi sulfasalazine. Như được biết, con đường chuyển hóa chính của nhóm
sulfonamide như sulfasalazine là được gan acetyl hóa thành những chất không độc.
Một con đường chuyển hóa khác nữa là thông qua quá trình oxy hóa của hệ thống
CYT P450 tại gan chuyển thuốc trên thành chất chuyển hóa có hoạt tính là
hydroxylamine. Chính những chất chuyển hóa độc hại này sẽ tổn thương trực tiếp
tế bào và gián tiếp gây ra các đáp ứng miễn dịch. Hydroxylamine được khử độc
khi liên hợp với glutathione, tuy nhiên ở những người acetyl hóa chậm hay lượng
glutathione thấp sẽ gây ra tình trạng tích lũy hydroxylamine và những chất độc
này sau đó sẽ nhanh chóng gây ra các phản ứng quá mẫn(Hình 1).
Với vai trò
giải độc, glutathione có thể làm giảm bớt độc tính của chất chuyển hóa
hydroxylamine. Theo nghiên cứu dùng bạch cầu đơn nhân từ những người có tiền sử
dị ứng với sulfonamid, lượng glutathione được thêm vào có khả năng làm giảm
tính gây độc tế bào của hydroxylamine, tuy nhiên những nghiên cứu in vivo về việc
dùng NAC trong điều trị quá mẫn sulfasalazine vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh
đó, chúng tôi cũng thấy báo cáo về một trường hợp NAC được dùng trong điều trị hội
chứng DRESS do sulfasalazine gây ra đồng thời cũng được điều trị với
acetaminophen (0.5 - 2g/ ngày trong 5 ngày).
Trong trường
hợp trên đây cho thấy khả năng phối hợp NAC với nhóm steroid an toàn và hiệu quả
trong chữa trị hội chứng DRESS do sulfasalazine gây ra, cụ thể bệnh nhân trên
đã được điều trị thành công bằng cả NAC và nhóm steroid, các dấu hiệu và triệu
chứng lâm sàng đều được cải thiện, sự hồi phục đó cũng có thể do ngừng thuốc
gây dị ứng lại. Tuy nhiên, qua sự hồi phục nhanh chóng của bệnh nhân có thể thấy
được điều trị bằng NAC và steroid có vai trò quan trọng trong trường hợp này. Việc
tìm hiểu tác động có liên quan của 2 thuốc này là không thể, tuy nhiên qua sự
phục hồi của bệnh nhân có thể NAC đã có tác dụng có lợi cải thiện tình trạng bệnh.
Trong trường hợp nặng nêu trên, kể cả chỉ dùng steroid cũng phải mất vài tuần mới
điều trị được hội chứng DRESS nhưng khi dùng NAC với corticosteroid liều cao
thì sự tăng bạch cầu, transaminase và rối loạn đông máu đã nhanh chóng được cải
thiện trong vòng 1 tuần và cũng có trường hợp dùng NAC điều trị nhanh chóng chứng
co giật do DRESS gây ra đã được báo cáo lại. Việc cải thiện nhanh chóng và ấn
tượng này cho thấy rằng bổ sung NAC có thể tăng khả năng hồi phục của bệnh nhân
rất nhanh và kinh nghiệm dùng NAC để điều trị co giật gây ra bởi DRESS rất có
triển vọng, thuốc có sẵn và được dung nạp tốt đồng thời tác dụng phụ cũng nhẹ
như buồn nôn, da ửng đỏ, nổi mề đay. Phù mạch sau khi điều trị co giật gây ra
do DRESS bằng NAC cũng đã có báo cáo tuy nhiên cơ chế vẫn không được biết rõ vì
trường hợp phù mạch rất hiếm xảy ra khi dùng NAC trị ngộ độc acetaminophen. Nên
có thể ở bệnh nhân trên dung nạp tốt NAC mà không có biến chứng nào có lẽ do điều
trị kèm với nhóm steroid.
Ca lâm sàng
này cho thấy sự an toàn khi phối hợp NAC với steroid trong điều trị DRESS do
sulfasalazine gây ra. Tuy nhiên, sự hạn chế trong lựa chọn phương pháp điều trị
cũng như tỷ lệ tử vong cao thì việc chọn cách điều trị thích hợp DRESS là vô
cùng cần thiết. Nhiều báo cáo và nghiên cứu khác nữa về tính hiệu quả của NAC
trong điều trị DRESS do sulfasalazine dẫn tới cũng được chứng thực.
·
Chú thích: AST (aspartate aminotransferase), ALT (alanine
aminotransferase), AP(Alkaline Phosphatase), Bili (Bilirubin), LDH (lactate
dehydrogenase), NH3 (ammonia), WBC (white blood cell count), MP
(methylprednisolone), NAC (N-acetylcysteine)
Người dịch: Bùi Vũ Hoàng Trang. SVD4. Đại Học Võ
Trường Toản.
Người hiệu đính: Ths.DS.
Trương Viết Thành, ĐH Y Dược Huế
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire