vendredi 15 mai 2015

Quá trình sử dụng thuốc tại cơ sở y tế Pháp - sai sót và giải pháp

Tác giả: Đào Thu Trang, Võ Thị Hà
"Quá trình sử dụng thuốc (tên tiếng anh là "medication use process") là một quá trình gồm nhiều bước liên quan đến nhiều can bộ y tế khác nhau và phụ thuộc lẫn nhau nhằm một mục đích chung: sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả cho bệnh nhân trong cơ sở y tế (Hình 1, 2). Quá trình sử dụng thuốc (QTSDT) có thể chia thành các bước như sau:
- Kê đơn (bao gồm cả việc quản lý thuốc cá nhân của bệnh nhân khi nhập viện và việc kiểm tra việc kê đơn khi luân chuyển bệnh nhân sang khoa, cơ sở y tế khác và kê đơn trước khi bệnh nhân xuất viện)
- Chuẩn bị, pha chế
- Phân phát
- Mua sắm
- Vận chuyển
- Bảo quản và Dự trữ
- Dùng thuốc
- Thông tin cho bệnh nhân
- Theo dõi điều trị
Trong các nghiên cứu về sai sót trong quá trình sử dụng thuốc cho thấy tần suất sai sót xảy ra trong từng khâu như sau :
- Kê đơn: 7-8%
- Pha chế: 12-13%
- Phân phát: 12-15%
- Dùng thuốc: 57-59%

Việc tổ chức quá trình sử dụng thuốc tối ưu sẽ giúp làm giảm nguy cơ, đặc biệt là bệnh gây ra do thuốc, giảm chi phí chăm sóc y tế."
Đọc tiếp bài toàn văn và tải bài tại slideshare: http://fr.slideshare.net/VoHa1/qu-trnh-s-dng-thuc-php

mercredi 13 mai 2015

Đo lưu lượng đỉnh thở ra



Đo lưu lượng đỉnh thở ra
SVD3. Nguyễn Thị Thanh Hường (Đại học Y dược Huế), DS. Trịnh Hồng Nhung, Ths.DS. Nguyễn Tứ Sơn (Đại học Dược HN), Ths.DS. Võ Thị Hà (Đại học Y Dược Huế)

Kiểm tra lưu lượng đỉnh thở ra (tên tiếng anh là peak expiratory flow) được khuyên dùng trong chẩn đoán bệnh hen phế quản và các đợt cấp của bệnh này. Hơn 10 năm qua, có rất nhiều tranh luận về việc thường xuyên tự kiểm tra lưu lượng đỉnh cho bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn có giúp ích trong việc kiểm soát căn bệnh này hay không. Chỉ có một số bằng chứng mức độ từ thấp đến trung bình cho thấy lưu lượng đỉnh có liên quan đến các triệu chứng bệnh. Hướng dẫn bệnh nhân nhận biết các triệu chứng bệnh cũng có hiệu quả như việc nhận biết các triệu chứng thông qua giám sát lưu lượng đỉnh trong kiểm soát bệnh hen phế quản.

I. Chỉ định đo lưu lượng đỉnh:
Đo lưu lượng đỉnh thở ra (LLĐTR) được khuyến cáo trong các trường hợp sau:
1.      Chẩn đoán:
i)        Dao động LLĐTR trong ngày lớn hơn 20% trong ít nhất 3 ngày/tuần trong 2 tuần là triệu chứng điển hình của hen phế quản
ii)      Hoặc sự cải thiện lưu lượng đỉnh:
+ 10 phút sau khi dùng thuốc giãn phế quản liều cao thông qua buồng đệm
+ Sau liệu trình 6 tuần dùng steroid dạng hít
+ Sau 14 ngày sử dụng 30mg prednisolone
             iii)  Đánh giá đáp ứng với điều trị
2.      Theo dõi điều trị:
i) Đo lưu lượng đỉnh trong theo dõi điều trị bệnh hen phế quản phải là một phần của kế hoạch kiểm soát cá nhân, bao gồm cả các biện pháp giáo dục khác và nhận thức triệu chứng bệnh
ii) Chỉ số chất lượng cuộc sống cũng đóng vai trò quan trọng như việc đo lưu lượng đỉnh trong dự đoán đợt cấp của hen:
+ Bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng hen phế quản trong ngày hay không?
+ Bệnh nhân có khó ngủ vì những triệu chứng của hen hay không?
+ Hen phế quản có ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày như làm việc, đi học,... không?
iii) Bệnh nhân phải hiểu rõ để có thể giải thích các triệu chứng cũng như kết quả đo lưu lượng đỉnh, và biết cách sử dụng kết quả đó để điều chỉnh điều trị phù hợp và xin tư vấn bác sỹ khi cần thiết
3.      Người lớn nên kiểm tra lưu lượng đỉnh 5 năm một lần để kiểm soát sự suy giảm chức năng phổi theo tuổi tác
   
  

      
II) Phương pháp đo:
- Bệnh nhân có thể ngồi xuống hoặc giữ ở tư thế đứng
- Cài đặt lại về mức 0 trên lưu lượng đỉnh kế
- Sau khi hít sâu, bệnh nhân thở ra nhanh, mạnh qua miệng và thổi vào lưu lượng đỉnh kế
- Lặp lại động tác để có kết quả 3 lần đo (mỗi lần cách nhau tối đa là 2 giây).
à Lấy kết quả là số đo cao nhất

III. Lưu lượng đỉnh thở ra dự đoán và thực tế
a. Lưu lượng đỉnh thở ra dự đoán (predicted peak expiratory flow)
Tính toán lưu lượng đỉnh thở ra (LLĐTR) dự đoán (hay dự đoán) cho phép xác định mức độ nặng của cơn hen cũng như dự đoán khả năng nhập viện của bệnh nhân.
Công thức tính giá trị LLĐTR dự đoán như sau :
Bệnh nhân nam :
LLĐTRdự đoán = Exp[(0,544 x Log(Tuổi)) - (0,0151 x Tuổi) - (74,7 / Chiều cao) + 5,48] 
Bệnh nhân nữ :
LLĐTRdự đoán = Exp[(0,376 x Log(Tuổi)) - (0,0120 x Tuổi) - (58,8 / Chiều cao) + 5,63]
Trong đó, chiều cao được tính theo cm, tuổi được tính theo số năm, log là hàm logarit, exp là luỹ thừa của hằng số e và do đó LLĐTR có đơn vị là L/phút.
Nhiều công cụ tính toán tự động online cho phép tính LLĐTR dự đoán chỉ cần nhập thông tin giới, tuổi, chiều cao của bệnh nhân, công cụ sẽ tự động tính toán cho ra kết quả. Ví dụ: Công cụ tính LLĐTR dự đoán của Medscape: http://reference.medscape.com/calculator/peak-expiratory-flow

Hình 3: Công cụ tính Lưu lượng đỉnh thở ra dự đoán

- Những công thức tính LLĐTR dự đoán được sử dụng để tính toán cho bệnh nhân từ 15 đến 85 tuổi.
- Đối với trẻ em dưới 15 tuổi, dùng công thức sau: LLĐTR dự đoán = 455 x (Chiều cao/100) – 332
- Năm 2004, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua tiêu chuẩn (EN13826) cho các thiết bị đo lưu lượng đỉnh. Tiêu chuẩn này thay thế cho thang đo Wright - đã được lưu ý có thể làm thay đổi số đo.  Công thức chuyển đổi của Clement Clarke cho phép chuyển đổi giá trị đo từ thang đo Wright sang thang đo thang đo tiêu chuẩn châu Âu:
EU=  50,356+ (0,4*W) + (0,0008814*W2)+ (0,0000001116*W3)
Các giá trị ghi được nên chuyển đổi sang thang đo EU.
Cộng cụ online cho phép tính theo công thức Wright và theo tiêu chuẩn EU: http://www.peakflow.com/top_nav/normal_values/PEFNorms.html

b. Lưu lượng đỉnh thở ra thực tế
Giá trị lưu lượng đỉnh thở ra thực tế thu được bằng máy đo (LLĐTRthực tế).

c. Tỷ lệ so với giá trị dự đoán
Lấy giá trị LLĐTRthực tế chia cho giá trị LLĐTRdự đoán  để xác định tỷ lệ so với giá trị dự đoán. Tỷ lệ này được chuẩn hoá và cho phép biện giải mức độ nặng của cơn hen.
 
Biện giải
• TL  > 75 %  ==> cơn hen nhẹ
• 50 % < TL > 75 % ==> Cơn hen trung bình
• 30 % < TL  > 50 % ==> cơn hen tương đối nặng
• TL  < 30 % ==> cơn hen nghiêm trọng

IV) Kế hoạch tự giám sát điều trị hen:
- Lên kế hoạch điều trị và tự giám sát hen cho từng bệnh nhân thông qua sổ theo dõi đã được chứng minh là giúp cải thiện tình trạng sức khỏe cho người mắc bệnh hen suyễn.
- Những việc làm đó rất cần thiết cho tất cả bệnh nhân hen suyễn, đặc biệt với những bệnh nhân mức độ vừa và nặng.
- Các kế hoạch tự giám sát hen giúp cải thiện hiệu quả điều trị hơn, cũng như giúp bệnh nhân tự tin và nâng cao hiểu biết.
- Chiến dịch Quốc gia về bệnh Hen suyễn cung cấp các nguồn tài liệu hữu ích cho bệnh nhân tự lập kế hoạch kiểm soát.


 Tài liệu tham khảo:
1.   Kotses  H, Harver A, Humphries CT; Home monitoring in asthma self -management. J Asthma. 2006 Nov; 43(9):649- 55.
2.   British Guideline on the  Management of Asthma; British Thoracic   Society (BTS) and  Scottish  Intercollegiate Guidelines (SIGN), 2008
3.   Resources for people with asthma;   National Asthma Campaign, Asthma UK
4.   Miller MR, Dickinson SA, Hitchings DJ ; The accuracy of portable peak flow meters. Thorax. 1992 Nov; 47(11):904- 9.
5.   Nunn A J , Gregg  I; New regression equations for predicting peak expiratory flow in adults.   BMJ . 1989 Apr 22; 298( 6680):1068- 70.
6.   Conversion  from Wright peak flow to EU values
7. http://www.patient.co.uk/doctor/peak-flow-recording
8. http://www.sfmu.org/calculateurs/DEP.htm
9. http://www.peakflow.com/top_nav/normal_values/PEFNorms.html







                                                                                           

mardi 12 mai 2015

Ứng dụng CNTT tại Khoa Dược, BV Quận 11, TP. HCM



ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ
CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC DƯỢC
 TẠI BỆNH VIỆN QUẬN 11, TP. HỒ CHÍ MINH

     DSCKII. Đào Duy Kim Ngà

Trưởng Khoa Dược, BV Quận 11

Bắt đầu từ năm 2009, Bệnh viện Quận 11 (BVQ11) đã ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý các hoạt động liên quan đến công tác dược được thực hiện theo nội dung hướng dẫn của các Thông tư Bộ Y tế ban hành như Thông tư 15, 22, 23…và các biểu mẫu của Bảo hiểm xã hội như biểu mẫu 03, 20, BV01/BHXH (các mẫu quyết toán)… đến nay đã có những hiệu quả nhất định. Bảng dưới đây tóm tắt một số ứng dụng của phần mềm (PM) đã thực hiện từ năm 2009 đến nay.
Stt
Nội dung
1
Danh mục thuốc cho từng chuyên khoa
2
Bác sĩ (BS) kê đơn thuốc theo tên thuốc, tên hoạt chất
3
BS biết trước tiền thanh toán
4
BS xem lịch sử dùng thuốc của bệnh nhân (BN)
5
BS sử dụng lại đơn thuốc trước đó
6
BS xem đơn thuốc của phòng khám trước
7
Cảnh báo BS hai đơn kê tên thuốc trùng nhau
8
Cảnh báo BS hai đơn thuốc kê hoạt chất trùng nhau
9
Bảng nhắc thông tin tương tác thuốc cho BS
10
Kiểm tra và giám định đơn thuốc tại bộ phận cấp phát ngoại trú Bảo hiểm y tế (BHYT)
11
Thống kê thời gian chờ hoàn tất quy trình khám bệnh của BN
12
Quản lý xuất nhập thuốc nội trú
13
Quản lý xuất nhập thuốc nhà thuốc
14
Theo dõi hạn sử dụng thuốc
15
Theo dõi giá và số lượng thuốc đã kí hợp đồng
16
Theo dõi thuốc xuất từng ngày và dự trù thuốc
17
Cân đối tồn kho và chốt tồn kho cuối tháng
18
Các biểu mẫu báo cáo
19
Thống kê số lượng xuất theo hoạt chất, tên thuốc
20
Thống kê sử dụng thuốc nội, ngoại
21
Thống kê xuất thuốc theo thặng số bán lẻ
22
Thống kê xuất thuốc bình ổn
23
Tìm kiếm thông tin của BN

Đọc tiếp và tải bài báo hoàn chỉnh tại link: http://fr.slideshare.net/VoHa1/ncdlsng-dng-cntt-ti-khoa-dc-bv-qun-11-tp-hcm