lundi 29 juillet 2013

Vụ tiêm vacxine cho trẻ gây tử vong và trách nhiệm của người Dược sĩ ?




Vừa qua nghe tin 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong do tiêm vacxine bị sốc phản vệ, thông tin này có vẻ « hot » trên các mặt báo và FB trong một thời gian và giờ đang lắng xuống. Nhưng nó lại đang « hot » với chính mình. Vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc rất nhiều và rất nghiêm trọng. Vụ tử vong của 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị chỉ là phần nổi của một tẳng băng chìm khổng lồ mà ở VN còn thiếu các dữ liệu khảo sát vần đề này.  Ngay như nước phát triển như Mỹ và Pháp, lỗi do dùng thuốc, các hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, kinh tế còn làm dân tình ở đây ngỡ ngàng. Thì ở ta còn quá nhiều việc cần phải làm.

Đọc lướt qua các bài báo thấy cơ quan chức năng đang vào cuộc để tìm ra nguyên nhân, còn FB thì có vẻ dậy sóng với hàng loạt kêu gọi « Bộ trưởng » từ chức, đổ lỗi cho ngành y tế, còn những cán bộ y tế thì hình như im lặng (trước giờ vẫn thế - Im lặng là vàng mà). Nhưng cá nhân mình nghĩ, không phải cứ có lỗi trong nghành y tế là lỗi của Bộ trưởng, và không nhất thiết chính Bộ trưởng phải trực tiếp thăm gia đình bệnh nhân là xoa dịu hay giải quyết được vấn đề. Qua đây học mình mới hiểu được rằng bất kì lỗi gì xảy ra không thể là lỗi của một cá nhân mà là còn là lỗi của hệ thống, lỗi do môi trường làm việc chi phối. Việc chụp mũ đổ lỗi cho cá nhân không giải quyết tận gốc được vấn đề.

Mình xin đặt ra thực tế sau để xem xét xem lỗi hệ thống là do đâu :
1.       Liên quan đến chất lượng vaxcine, phát hiện, báo cáo, xử lý phản ứng có hại của thuốc là thuộc lĩnh vực chuyên môn của người Dược sĩ. Do đó, lỗi này xét ra đầu tiên là lỗi của toàn bộ đội ngũ Dươc sĩ.
2.       Hiện nay, gần như đa số các DS sau 5 năm dùi mài kinh sử ra trường lại đi làm trình dược viên cho các hãng thuốc. Trong khi ở Pháp, các Dược sĩ được đào tạo không phải để làm trình dược viên. Có khóa học 2 năm giành cho những ai muốn làm trình dược viên. Người dược sĩ đa số làm việc tại quầy thuốc, bệnh viện, cơ sở sản xuất thuốc. Nếu như các DS ở ta đi làm trình dược viên thì ai là người đứng ra làm công tác kiểm tra chất lượng vaxcine, phát hiện, báo cáo, xử lý phản ứng có hại của thuốc, tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân tại các bệnh viện, quầy thuốc. Do đó, lỗi là do phân bố, sử dụng Dược sĩ không hợp lý.
3.       Chất lượng của việc sử dụng thuốc ngoài việc phụ thuộc vào chất lượng của thuốc còn phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của dịch vụ do người dược sĩ mang mại cho bệnh nhân (tư vấn sử dụng thuốc, phát hiện vấn đề và đề nghị giải pháp khắc phục). Nhưng hiện tại dược sĩ VN đã cung cấp được dịch vụ gì cho bệnh nhân ? Chất lượng các dịch vụ như thế nào ? Câu trả lời gần như là zero. Do đó, đây là lỗi do các dịch vụ dược lâm sàng chưa được phát triển.
4.       Chất lượng của dược sĩ, chất lượng dịch vụ cung cấp bởi dược sĩ phụ thuộc rất lớn vào hệ thống đào tạo dược. Do đó, hệ thống, chương trình đào tạo dược không thể không có lỗi.

Tuy là lỗi hệ thống nhưng để sửa đổi lỗi hệ thống lại phải mất rất nhiều thời gian. Cái này cần sự phối hợp, thảo luận của rất nhiều cá nhân. Mà mình thì chỉ là cá nhân nhỏ bé thôi nên mình chỉ nghĩ đến giải pháp cá nhân thôi. Điều quan trọng nhất là mỗi người Dược sĩ có ý thức và hành động nhằm nâng cao chất lượng của từng Dược sĩ

Mình có thằng bạn đồng nghiệp Dược sĩ Jean-Didier Bardet khá "chất lượng". Nhìn nó mà mình ngưỡng mộ và cứ bắt chước nó thôi. Xinh kể sơ qua những gì nó làm :
+ Nó lập riêng một blog về quan điểm của nó về vai trò và trách nhiệm của người dược sĩ : http://unintermediairedesantequicoutecher.blogspot.fr/2013/02/leclerc-les-pharmaciens-et-la.html
Đọc những bài viết của nó rất thú vị. Nó tự do thể hiện quan điểm của mình. Blog của nó là nơi thảo luận, tranh cải nảy lửa những quan điểm bất đồng hay sự đồng tình của giới DS, bác sĩ, sinh viên…..
Mình cũng bắt chước nó tạo blog cho riêng mình.
Nhưng có điều buồn là blog của mình chẳng có ma nào vào thảo luận, tranh cải cả. Toàn là bọn nước ngoài vào đọc thông tin về Hội nghị DLS châu á tổ chức tại Hải Phòng, Việt Nam mà tụi nó cần chôm thông tin.
2.       Nó biến cái Facebook thành cái nơi nó thảo luận và chia sẽ những suy nghĩ của nó về nghề nghiệp, về những khó khăn liên quan đến đề tài nghiên cứu của nó.....
Còn nhìn Facebook của mình toàn nhạc, chia sẻ tình cảm …và rất hiếm hoi dám thảo luận và chia sẻ cảm xúc về nghề nghiệp. Nhưng mình cũng đang bắt chước nó và dần thay đổi.
3.       Nó có thể tự do thảo luận quan điểm nghề nghiệm, đề tài nghiên cứu của nó với những người đồng nghiệp, bạn bè của nó. Điều thú vị là không chỉ Dược sĩ mới thảo luận hăng say về các vần đề về Dược mà người ngoài cuộc cũng thảo luận với nó rất sôi nổi. Suy cho cùng đó là vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ y tế, liên quan đến sức khỏe thì ai mà chả quan tâm. Còn mình mà nói chuyện với bạn bè, kể cả bạn bè là dược sĩ, cũng toàn « chém gió » mọi chuyện trên trời dưới biển nhưng những chia sẻ nghề nghiệp lại rất hiếm hoi . 
4.       Nó có thói quen đọc sách, báo rất nhiều. Và suy nghĩ rất độc lập. Nó chẳng chấp nhận dễ dàng những gì đọc được đều là đúng. Nó đọc để hiểu, để áp dụng, để biết cách đặt một câu hỏi mới….
Còn mình thì cuối tuần vừa rồi mới là lần đầu tiên đọc trọn vẹn một quyển sách về dược. Nhục. Và đang cố gắng đọc quyển thứ hai, mà đã bắt đầu thấy chán. Nhục.


Nhưng mình chỉ nghĩ đơn giản : chẳng có gì là xấu hổ nếu mình chưa giỏi, chưa tốt, chưa được như nó. Và chẳng nên phí thời gian để mà không áp dụng ngay những cái hay, cái mới từ nó. Cảm ơn mày, Jean-Didier ạ, mày luôn là một đồng nghiệp đáng ngưỡng mộ của ta !

VTH

29/7/2013