jeudi 30 avril 2015

Quy trình sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)


Hội đồng tư vấn thuốc có nhiệm vụ hỗ trợ Bộ Y tế và Dịch vụ xã hội ở Quebec cập nhật danh sách các loại thuốc được chi trả theo quy chế bảo hiểm chung và thúc đẩy việc sử dụng thuốc tối ưu. « Sử dụng thuốc một cách tối ưu » có nghĩa là cách sử dụng thuốc trong đó có thể tối đa hoá các lợi ích lâm sàng đồng thời giảm thiểu những rủi ro mà thuốc có thể gây ra khi dùng trong cộng đồng. Việc sử dụng tối ưu được xem xét dựa trên những liệu pháp điều trị hiện có, chi phí điều trị,  nguồn lực sẵn có, lợi ích với bệnh nhân và lợi ích với cộng đồng.

Để thúc đẩy việc sử dụng tối ưu của thuốc, Hội đồng tư vấn thuốc có thể tiến hành các hoạt động như: đánh giá việc sử dụng thuốc, đề xuất các chiến lược đào tạo, thông tin và tăng cường nhận thức cho các nhân viên y tế và cộng đồng, đóng góp vào các hoạt động chiến lược hoặc tiến hành đánh giá các vấn đề liên quan đến sử dụng một thuốc và áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn rủi ro. Trong bối cảnh này, Hội đồng tư vấn thuốc tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia y tế trực thuộc các hiệp hội các Bác sĩ Đa khoa và Bác sỹ chuyên khoa của Quebec để đưa ra quy trình sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Công cụ này chỉ mang tính chất cung cấp thông tin tham khảo và không thể thay thế cho đánh giá của bác sĩ trong quá trình điều trị.

Sử dụng tối ưu thuốc NSAID

Việc lựa chọn một liệu pháp điều trị bằng NSAID cần phải căn cứ vào kết quả đánh giá cả 3 nguy cơ nói trên.
Lưu ý chung
• Trong điều trị viêm xương khớp, cần phải đảm bảo chỉ dùng dùng nhóm NSAID khi bệnh nhân đã dùng acetaminophen với liều lượng quy định mà cơn đau không giảm.
• Hiệu quả của nhóm coxib (NSAID chọn lọc) đối với cơn đau cấp tính và mãn tính tương tự với hiệu quả của các NSAID không chọn lọc.
• Đối với các bệnh nhân điều trị các chứng đau mãn tính, các chỉ định dùng thuốc NSAID nên được đánh giá lại thường xuyên.
• Nhóm NSAID không chọn lọc và coxib nên được sử dụng ở liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian điều trị ngắn nhất có thể, nguy cơ ADR trên đường tiêu hóa tỷ lệ thuận với liều NSAID được sử dụng.
• Cần tránh việc kết hợp 2 thuốc NSAID.

Các lưu ý khác
Theo các số liệu gần đây, một số NSAID (đặc biệt là ibuprofen) có thể ức chế tác dụng chống kết tập tiểu cầu của acid acetylsalicylic khi được dùng ngay trước các thuốc này.
• Ở người cao tuổi, việc mắc đồng thời nhiều bệnh, kèm theo số lượng thuốc sử dụng nhiều và nguy cơ xuất hiện các tương tác thuốc, do đó cần phải có sự giám sát đặc biệt. 
• Từ góc nhìn của kinh tế dược, việc sử dụng coxib chưa chắc đã có hệ số chi phí-hiệu quả chấp nhận được đối với toàn bộ cộng đồng, có nghĩa là chi phí của việc sử dụng các thuốc này có thể là quá cao so với những lợi ích lâm sàng mang lại.  

Đánh giá nguy cơ đường tiêu hóa

Lưu ý với nguy cơ đường tiêu hóa
• Đối với các NSAID có nguy cơ gây biến chứng đường tiêu hoá dưới, nguy cơ này không thể ngăn chặn bởi một thuốc bảo vệ đường tiêu hoá (thuốc ức chế bơm proton H+, misoprostol). Nguy cơ này khi dùng Coxib có vẻ như là thấp hơn. 
• Dùng đồng thời acid acetylsalicylic và một coxib sẽ làm hạn chế hiệu quả của coxib trong việc bảo vệ đường tiêu hoá.
• Trong khi các dữ liệu về kinh tế dược là khá mơ hồ, việc kê đơn coxib ở các bệnh nhân có nguy cơ biến chứng đường tiêu hoá vẫn là một chiến lược cho phép tiết kiệm chi phí mà vẫn mang lại hiệu quả so với việc sử dụng các thuốc NSAID truyền thống và thuốc ức chế bơm proton. 
*
Nguy cơ xuất hiện biến chứng đường tiêu hóa tăng lên cùng với sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ.
Số lượng các yếu tố là căn cứ để sử dụng thuốc bảo vệ đường tiêu hoá dựa trên đánh giá lâm sàng.
**
Tình trạng mắc kèm nhiều bệnh là một tình trạng có thể làm trầm trọng các nguy cơ khi sử dụng NSAID
***
Thuốc bảo vệ đường tiêu hoá : thuốc ức chế bơm proton 1 lần/ngày hoặc misoprotol tối thiểu 800mcg/ngày
****
Tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế (INR)



Đánh giá nguy cơ tim mạch
Các lưu ý về nguy cơ tim mạch
• Các NSAID không chọn lọc và nhóm coxib có nguy cơ gây xuất hiện biến chứng tim mạch tương tự nhau.
• Việc sử dụng một coxib yêu cầu những lưu ý tương tự như sử dụng thuốc NSAIDs không chọn lọc.
• NSAID không chọn lọc và coxib không thể thay thế cho acid acetylsalicylic trong việc phòng chống các biến cố tim mạch. Việc sử dụng acid acetylsalicylic liều thấp bắt buộc phải duy trì ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngay cả khi nó làm tăng độc tính trên đường tiêu hoá của coxib. 
*
Acid acetylsalicylic ở liều 325 mg hoặc thấp hơn, được sử dụng như một thuốc kháng tiểu cầu
**
Chú ý : Nguy cơ tim mạch đã được ghi nhận khi dùng coxib. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng (với một giả dược hoặc 1 loại thuốc NSAIDs không chọn lọc) đánh giá nguy cơ này. Hiện nay mới chỉ có một số nghiên cứu quan sát cho thấy các thuốc NSAID (trừ naproxen) có nguy cơ tương tự coxib nhưng mức độ chắc chắn chưa rõ ràng.
***
Bảo vệ đường tiêu hoá : thuốc ức chế bơm proton 1 lần/ngày hoặc misoprotol liều tối thiểu 800mcg/ngày
****
Tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế (INR)

Đánh giá nguy cơ đường tiết niệu
Lưu ý với nguy cơ đường tiết niệu
• Các NSAID không chọn lọc và nhóm coxib có nguy cơ gây ra các biến chứng ở thận tương tự nhau.
• Rối loạn điện giải và suy thận có thể xảy ra ngay sau khi bắt đầu sử dụng NSAID không chọn lọc hoặc coxib.
• Trước khi kê thuốc NSAID (không chọn lọc hoặc coxib), cần phải đảm bảo rằng bệnh nhân không sử dụng một NSAID không cần kê đơn khác.
• Nồng độ creatinine huyết tương được sử dụng để đánh giá chức năng thận. Độ thanh thải creatinin được tính theo công thức của Cockroft và Gault, trong đó có xem xét cân nặng, tuổi và giới tính của bệnh nhân.
• Liều dùng và hiệu quả của tất cả các thuốc thải trừ qua thận phải được theo dõi. Ngoài ra, nồng độ lithium của một bệnh nhân đang điều trị với lithium cần được kiểm tra khi bắt đầu điều trị với NSAID, khi có thay đổi trong quá trình điều trị và khi ngừng điều trị NSAID.




Người dịch : DS. Trịnh Hồng Nhung
Người hiệu đính : Ths.DS. Nguyễn Duy Hưng
Nguồn: Gouvernement du Québec. Algorithme d’utilisation des anti-inflammatoires non stéroïdiens (AINS). Link: https://www.inesss.qc.ca/fileadmin/doc/CDM/UsageOptimal/AINS-IPP/CdM-Algorithme-AINS.pdf

Nghiên cứu 1: Phân tích chỉ số WHO/INRUND tại BV Quận 11



ỨNG DỤNG VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC PHÂN TÍCH CHỈ SỐ WHO/INRUD
TRONG SỬ DỤNG THUỐC TẠI BỆNH VIỆN QUẬN 11, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đào Duy Kim Ngà1, Đỗ Quang Dương2, Huỳnh Văn Hóa2
1Bệnh viện Quận 11, 2Khoa Dược, Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh

Liên hệ: Đào Duy Kim Ngà (0918297368; nga43@yahoo.com)

TÓM TẮT
Mục tiêu: Hoạt động quản lý và sử dụng thuốc tại các bệnh viện càng ngày càng được quản lý chặt chẽ từ những chủ trương của Bộ Y tế, với việc kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý càng làm tăng tính hiệu quả trong việc điều hành và xử lý công việc. Bài báo này giới thiệu kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích tình hình sử dụng thuốc dựa vào Thông tư 21/2013/BYT tại Bệnh viện Quận 11, đây là định hướng ứng dụng cho các bệnh viện khác có thể tham khảo để có thể ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả.
Phương pháp: ứng dụng phần mềm phân tích các chỉ số trong việc sử dụng thuốc theo Thông tư 21/2013/TT-BYT dựa vào thực tế và đánh giá tính hiệu quả.
Kết quả: Phần mềm được xây dựng dựa trên Thông tư 21/2013/TT-BYT, kết quả phần mềm được sử dụng khá hiệu quả trong việc hỗ trợ dược sĩ trong phân tích việc sử dụng thuốc tại bệnh viện. Một số kết quả ứng dụng hiệu quả trong việc sử dụng phần mềm trong bài báo như các chỉ số kê đơn, các chỉ số sử dụng thuốc toàn diện, các chỉ số lựa chọn sử dụng trong bệnh viện, các chỉ số lựa chọn sử dụng trong bệnh viện từng ngày. Qua đánh giá tính hiệu quả, việc ứng dụng phần mềm đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian và giảm nhân lực cho việc phân tích việc sử dụng thuốc tại bệnh viện.
Kết luận: Qua phân tích đánh giá cho thấy sau khi áp dụng phân tích đã đem lại hiệu quả giảm gánh nặng công việc cho khoa dược cũng như giúp cho hội đồng thuốc và điều trị có được tầm nhìn quản lý tổng quan và chi tiết về sử dụng thuốc tại BV.

ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý các hoạt động liên quan đến công tác dược tại bệnh viện đã có những hiệu quả nhất định. Trong năm 2013 và 2014, Bộ Y Tế có những Thông tư hướng dẫn mới như Thông tư 19, Thông tư 21… liên quan đến công tác phân tích tình hình sử dụng thuốc và quản lý khoa dược (KD) chặt chẽ hơn, chính vì thế, cần phải triển khai thêm nhiều ứng dụng CNTT để đáp ứng cho các hoạt động liên quan đến công tác dược bệnh viện.   Thời gian qua, bên cạnh nhiều ứng dụng thành công CNTT đã được thực hiện trong các công tác quản lý liên quan đến dược  tại phòng khám, nhằm hỗ trợ cho bác sĩ, dược sĩ và bệnh nhân nhằm mục đích vì sức khỏe cộng đồng [1], [2], [3], [4]. Bệnh viện Quận 11 nói riêng và các bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chuyên môn và một số công tác mới do Bộ Y tế ban hành chưa kịp thời ứng dụng CNTT để giảm tải công việc quản lý thống kê về dược nhằm tiết kiệm thời gian, nhân lực. Một trong số đó điển hình là Thông tư 21/2013/BYT [5] có các phụ lục hướng dẫn phân tích sử dụng thuốc trong bệnh viện như phân tích nhóm A theo ABC/VEN (phụ lục 2, 4), phân tích nhóm N theo ABC/VEN (phụ lục 4), phân tích tỷ lệ sử dụng thuốc nội ngoại theo ABC, phân tích nhóm điều trị (phụ lục 3), phân tích VEN (phụ lục 4), phân tích ma trận ABC/VEN, các chỉ số sử dụng thuốc (phụ lục 6), các chỉ số sử dụng thuốc toàn diện (phụ lục 6),  các chỉ số lựa chọn sử dụng trong bệnh viện (phụ lục 6), các chỉ số lựa chọn sử dụng trong bệnh viện từng ngày (phụ lục 6), chỉ số hiệu quả (phụ lục 9)… [5]
Bài báo này giới thiệu kết quả ứng dụng CNTT trong phân tích các chỉ số trong việc sử dụng thuốc dựa vào Thông tư 21/2013/TT - BYT tại Bệnh viện quận 11, đây là định hướng ứng dụng cho các bệnh viện khác có thể tham khảo để có thể ứng dụng CNTT một cách hiệu quả.

PHƯƠNG PHÁP
Thực hiện Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế về phân tích sử dụng thuốc trong bệnh viện gồm các mục:
-          Các chỉ số kê đơn
-          Các chỉ số sử dụng thuốc toàn diện
-          Các chỉ số lựa chọn sử dụng trong bệnh viện
-          Các chỉ số lựa chọn sử dụng trong bệnh viện từng ngày
Ứng dụng, đánh giá tính hiệu quả của phần mềm (PM) tại Khoa Dược, Bệnh viện Quận 11 [6].

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
PM được xây dựng dựa trên Thông tư 21/2013/TT - BYT [5], kết quả PM được sử dụng khá hiệu quả trong việc hỗ trợ dược sĩ trong việc phân tích tình hình sử dụng thuốc tại bệnh viện. Một số kết quả ứng dụng hiệu quả trong việc sử dụng PM:

Các chỉ số kê đơn
Hình 1. Các chỉ số kê đơn

Kết quả PM phân tích (Hình 1) cho thấy:
-        Số thuốc kê trung bình trong một đơn: 4
-        Tỷ lệ thuốc được kê tên Genergic: 89.72%
-        Tỷ lệ thuốc được kê tên biệt dược: 10.28%
-        Tỷ lệ đơn kê có kháng sinh: 27.37%
-        Tỷ lệ đơn kê có thuốc tiêm: 10.61%
-        Tỷ lệ kê đơn có Vitamin: 21.65%
-        Tỷ lệ thuốc được kê đơn có trong danh mục thuốc thiết yếu do BYT ban hành (TT45/BYT): 34.18%

Các chỉ số sử dụng thuốc toàn diện

Hình 2. Các chỉ số sử dụng thuốc toàn diện

Kết quả PM phân tích (Hình 2) cho thấy:
-        Số lượng bệnh nhân điều trị không dùng thuốc chiếm tỷ lệ 893/18030 có nghĩa là 4.95% bệnh nhân được điều trị không dùng thuốc tại bệnh viện không tính đến bệnh nhân chuyển viện
-        Chi phí trùng bình cho thuốc mỗi đơn: 113.838.27
-        Tỷ lệ (%) chi phí thuốc dành cho kháng sinh: 13.35%
-        Tỷ lệ (%) chi phí thuốc dành cho thuốc tiêm: 12.41%
-        Tỷ lệ (%) chi phí thuốc dành cho Vitamin: 1.75%

Các chỉ số lựa chọn sử dụng trong BV
Hình 3. Các chỉ số lựa chọn sử dụng trong bệnh viện

Kết quả PM phân tích (Hình 3) cho thấy:
-        Số ngày nằm viện trung bình là 1.87
-        Số thuốc trung bình cho 1 bệnh nhân là 8
-        Số thuốc kháng sinh trung bình cho 1 bệnh nhân là 1
-        Số thuốc tiêm trung bình cho 1 bệnh nhân là 3
-        Giá trị thuốc trung bình cho 1 bệnh nhân là 141,028.10

Các chỉ số lựa chọn sử dụng trong BV từng ngày ( ví dụ chọn ngày 3/5/2014)
Hình 4. Các chỉ số lựa chọn sử dụng trong bệnh viện từng ngày

Kết quả PM phân tích (Hình 4) cho thấy:
-        Số thuốc trung bình cho 1 bệnh nhân 1 ngày là: 5
-        Số thuốc kháng sinh trung bình cho 1 bệnh nhân 1 ngày là: 1
-        Số thuốc tiêm trung bình cho 1 bệnh nhân 1 ngày là: 2
-        Giá trị thuốc trung bình cho 1 bệnh nhân 1 ngày là: 57.069.01

Đánh giá phần mềm:
So sánh kết quả thực tế bằng phương pháp tính thủ công trên Excel và phương pháp sử dụng PM sau khi triển khai, nghiên cứu đã tiến hành thực hiện đánh giá theo các tiêu chí như tính hiệu quả, tính chính xác, thời gian, con người và các yếu tố khác. Trước khi triển khai, bộ phận nghiệp vụ dược gồm vài nhân viên thực hiện phân tích bằng phương pháp thủ công cho kết quả tương đối chính xác nhưng chưa đáp ứng được hết công tác phân tích sử dụng thuốc, thời gian chuẩn bị và tiến hành mất ít nhất 4 giờ một bảng phân tích, chưa kể có một số bảng phân tích có nội dung phức tạp khiến cho việc tính bằng phương pháp thủ công rất khó thực hiện. Sau khi triển khai PM, chỉ cần một nhân viên thao tác đơn giản trong vài phút là hiện ra bảng phân tích có kết quả chính xác theo dữ liệu truy xuất từ PM.

Bảng 1. Đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng PM phân tích
Các tiêu chí đánh giá
Trước khi triển khai
Phần mềm
Sau khi triển khai
Phần mềm
Đánh giá các chỉ số kê đơn
-       Mỗi lần thực hiện phân tích đều phải chuẩn bị lại các dữ liệu trong bảng excel như điền và phân loại thuốc generic, biệt dược, tiêm, kháng sinh...Sau đó đếm tổng số đơn thuốc, số thuốc trong đơn, số thuốc kháng sinh, tiêm, vitamin...
-       Khi phân tích phải tính thủ công các giá trị và tỷ lệ.
-       Mỗi lần phân tích chỉ cần bấm in ra kết quả không cần phải chuẩn bị lại các dữ liệu, chỉ cần cập nhật thêm vào PM mỗi khi có sự thay đổi thông tin thuốc.

-       Đã được viết công thức theo thiết kế sẵn chỉ cần thao tác trên PM là hiện ra bảng phân tích.
Đánh giá các chỉ số sử dụng thuốc toàn diện
-       Mỗi lần thực hiện phân tích đều phải chuẩn bị lại các dữ liệu trong bảng excel như điền và phân loại thuốc tiêm, kháng sinh, vitamin...Sau đó đếm tổng số lượt nhận thuốc, số lượt không nhận thuốc, số thuốc trong đơn, số thuốc kháng sinh, tiêm, vitamin...
-      Khi phân tích phải tính thủ công các giá trị và tỷ lệ chi phí.
Đánh giá các chỉ số lựa chọn sử dụng trong BV (tùy chọn thời gian)
-       Mỗi lần thực hiện phân tích đều phải chuẩn bị lại các dữ liệu trong bảng excel như điền và phân loại thuốc tiêm, kháng sinh. Sau đó đếm tổng số lượt bệnh nhân nội trú, số ngày nằm viện, số thuốc sử dụng trong đơn...
-       Khi phân tích phải tính thủ công các giá trị và chi phí trung bình.
Đánh giá các chỉ số lựa chọn sử dụng trong BV từng ngày (Chọn mốc thời gian là 1 ngày tùy ý)

-       Mỗi lần thực hiện phân tích đều phải chuẩn bị lại các dữ liệu trong bảng excel như điền và phân loại thuốc tiêm, kháng sinh. Sau đó đếm tổng số lượt bệnh nhân nội trú trong ngày (tùy chọn mốc thời gian), số ngày nằm viện, số thuốc sử dụng trong đơn...
-       Khi phân tích phải tính thủ công các giá trị và chi phí trung bình của một BN trong một ngày.

Qua Bảng 1 có thể thấy trước khi triển khai PM, mỗi lần thực hiện phân tích phải chuẩn bị lại các dữ liệu của từng nội dung sau đó tiến hành phân tích theo từng bước như tính thủ công các giá trị, tỷ lệ và đếm số chủng loại thuốc từng nhóm... Kết quả phân tích trước và sau khi triển khai phần mềm (tính chính xác) là như nhau nhưng sử dụng PM thì chỉ cần chuẩn bị dữ liệu đưa vào PM một lần và cập nhật thêm khi có sự thay đổi thông tin thuốc, mỗi lần phân tích chỉ cần chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể in ra kết quả. Sau khi triển khai PM, Khoa dược  đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức để tập trung nhân lực vào công tác chuyên môn khác, đặc biệt là KD đã có thêm công cụ phân tích hàng tháng, quý, năm tham mưu tốt cho Hội đồng thuốc và điều trị, trong việc sử dụng thuốc theo các cuộc họp định kỳ.

PM sau khi thiết kế đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Các bộ phận được hưởng lợi từ việc áp dụng PM này là KD, Hội đồng thuốc và điều trị, lãnh đạo Ban giám đốc có thể chủ động truy cập để đọc kết quả phân tích một cách nhanh chóng thuận tiện và chính xác. Trước đây, khi cần số liệu phân tích thì phải thống kê phân tích bằng thủ công rất mất thời gian, gặp nhiều khó khăn do phải dò và phân loại số liệu, đôi khi số liệu không chính xác. Với sự hỗ trợ của PM, công tác phân tích sử dụng thuốc trong toàn bệnh viện của dược sĩ nghiệp vụ dược rất nhanh chóng và đơn giản không còn là gánh nặng khi phải cập nhật, rà soát, cộng dồn từng con số. PM đã thực thi được các phân tích chính như đã nêu và cho truy xuất ra bảng nên rất tiện lợi.

Mặc dù đã giải quyết tốt mục tiêu nghiên cứu đề ra. Tuy nhiên, còn một số hạn chế  đó là chỉ tập trung vào đề xuất các phân tích trong Thông tư 21/2013/BYT trong khi có thể phân tích thêm nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc cũng như đề xuất thêm trên PM các giải pháp quản lý liên quan đến dược như tương tác thuốc, định mức hóa chất – vật tư tiêu hao, mã hóa kệ hàng hóa trong kho, hệ thống nhắc phác đồ điều trị…Vì vậy, tương lai có thể mở rộng nghiên cứu để có thêm nhiều ứng dụng phục vụ cho công tác quản lý về dược tại bệnh viện.


KẾT LUẬN
Nghiên cứu đã đề xuất, áp dụng và thực hiện phân tích các vấn đề liên quan đến thuốc trên PM giúp cho Hội đồng thuốc và điều trị có cái nhìn tổng thể về bức tranh sử dụng thuốc tại BV. Qua phân tích đánh giá cho thấy sau khi áp dụng phân tích đã đem lại hiệu quả như tiết kiệm được thời gian, nhân lực, giảm gánh nặng công việc cho KD cũng như giúp cho Hội đồng thuốc và điều trị có được tầm nhìn quản lý tổng quan và chi tiết về sử dụng thuốc tại BV. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy các đề xuất trên không chỉ đơn thuần cung cấp ứng dụng CNTT trong quản lý về thuốc mà quan trọng hơn là việc hình thành cách thức quản lý mới và khoa học cho bệnh viện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Bưu Chính Viễn Thông (2006), Luật Công nghệ thông tin.
2. Bộ Y Tế (2006), Chiến lược phát triển CNTT ngành y tế giai đoạn 2006 – 2015.
3. Bộ y tế (2009), Chỉ thị 02/CT-BYT ngày 25 tháng 2 năm 2009 về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong ngành y tế.
4. Bộ y tế (2010), Quyết định 1191/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc phê duyệt đề án kiện toàn hệ thống tổ chức CNTT trong các đơn vị sự nghiệp của ngành y tế giai đoạn từ năm 2010 đến 2015.
5. Bộ y tế (2013), Thông tư 21/2013/TT-BYT ngày 8 tháng 8 năm 2013 về quy định và tổ chức và hoạt động của HĐT & ĐT trong BV.
6. Guy Wingate (2010), Pharmaceutical Computer Systems Validation Quality Assurance, Risk Management and Regulatory Compliance, Informa Healthcare USA, Inc, Second Edition.